Viễn cảnh quân đội tàng hình

17/03/2016 11:39 GMT+7

Các đời máy bay tàng hình thế hệ kế tiếp sẽ trở nên lợi hại hơn với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của siêu vật liệu giúp triệt tiêu sóng radar.

Các đời máy bay tàng hình thế hệ kế tiếp sẽ trở nên lợi hại hơn với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của siêu vật liệu giúp triệt tiêu sóng radar.

Máy bay tàng hình X-47B không người lái của hải quân Mỹ - Ảnh: DARPA
Máy bay tàng hình X-47B không người lái của hải quân Mỹ - Ảnh: DARPA
Giới khoa học gia và các nhà thầu quân sự Mỹ đang đổ hàng chục triệu USD nghiên cứu các phương pháp tạo ra hiệu ứng tàng hình hữu hiệu từ các vật liệu phức tạp gọi là siêu vật liệu.
Đây là dạng vật chất được thiết kế để hấp thu hoặc bẻ cong ánh sáng và sóng radar nhằm tạo ra tấm phủ “vô hình” che đậy cho các máy bay hoặc những toán quân, theo trang New Scientist.
Trong đó, Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) là một trong những nguồn đầu tư chủ chốt cho khoa học siêu vật liệu, nhằm tạo ra cái mà nhiều người thường liên tưởng đến là áo tàng hình của nhân vật chính Harry Potter trong bộ truyện cùng tên nổi tiếng. Hồi năm ngoái, quân đội Mỹ tuyên bố đã lên kế hoạch thử nghiệm các nguyên mẫu quân phục tàng hình dành cho binh sĩ.
Từ tàng hình kiểu cũ đến “siêu da”
Từ lâu, công nghệ ngụy trang và tàng hình luôn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển vũ khí ngày càng hiện đại hơn của quân đội các nước như Mỹ, Nga và gần đây là Trung Quốc. Không quân Mỹ đã triển khai dòng máy bay tàng hình đầu tiên của nước này là F-117 Nighthawk do Lockheed Martin sản xuất vào thập niên 1980, và các phi đội F-117 đã tham gia các cuộc không kích tại chiến trường Kosovo, Afghanistan và Iraq.
Thiết kế tàng hình của chúng dựa trên việc điều chỉnh hình dáng máy bay, kèm theo hiệu ứng từ sơn hấp thu và làm lệch sóng radar, giúp dòng máy bay này “biến mất” trên màn hình radar đối phương. Trong khi đó, oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit xuất kích vào thập niên 1990 lại sử dụng các kỹ thuật phức tạp hơn để có được năng lực vô hình, nhờ vào sự phối hợp của việc giảm thiểu tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện từ, quang học và tín hiệu radar phát ra, cùng nhiều tính năng tối mật khác.
Trong một diễn biến mới nhất, nhóm chuyên gia của Đại học bang Iowa (Mỹ) đã phát minh một dạng da đặc biệt, gọi là “siêu da”, có thể che chắn các vật thể không bị radar phát hiện. Phát kiến mới hứa hẹn mở đường cho việc chế tạo “áo tàng hình” hữu hiệu trong tương lai gần.
“Siêu da” do các chuyên gia Đại học bang Iowa phát minh - Ảnh: ISU
“Siêu da” do các chuyên gia Đại học bang Iowa phát minh - Ảnh: ISU
Theo báo cáo trên chuyên san Scientific Reports, loại siêu vật liệu này được cấu thành từ những chiếc vòng chứa dung dịch kim loại lỏng là hợp kim galinstan, và được sắp xếp bên trong một dạng chất nền bằng silicon. Mỗi vòng có bán kính 2,5 mm và dày 0,5 mm, đóng vai trò như bộ phận cảm điện và không gian giữa chúng giống như tụ điện. Bằng cách thay đổi không gian giữa các khoen, vật liệu có thể vô hiệu hóa một tần số cụ thể của tín hiệu radar. Những siêu vật liệu như loại da mới được trang bị năng lực biến đổi sóng điện từ, cho phép giảm tối đa tín hiệu sóng radar từ đối phương.
Phương pháp tiếp cận trên khá khác biệt so với công nghệ tàng hình hiện áp dụng cho các đời máy bay của Mỹ, vốn chỉ có năng lực giảm biên độ của tín hiệu gửi trả về hệ thống radar. Trong khi đó, “siêu da” được chứng minh có thể tiêu trừ khoảng 75% tín hiệu đang truyền đến ở dải tần từ 8 - 10 GHz. Tiềm năng ứng dụng công nghệ này hết sức hứa hẹn và phiên bản tương lai của “siêu da” thậm chí còn có thể phủ lên các phương tiện quân sự.
Rào cản pháp lý
Nếu công nghệ tàng hình đang tỏ dấu hiệu có thể vượt trội hơn nữa trong tương lai, Bill Boothby, Phó giám đốc phụ trách pháp luật của Không quân Hoàng gia Anh (RAF), đã nêu những khó khăn trong nỗ lực hoàn thiện năng lực tàng hình. Trong quyển Vũ khí và luật của xung đột vũ trang, ông nêu ra ví dụ là công nghệ “Adaptiv” của Hãng BAE Systems (Thụy Điển).
Công nghệ này tận dụng các camera được lắp trên mục tiêu, như là xe thiết giáp, để bắt lấy những dấu hiệu hồng ngoại của môi trường xung quanh. Tín hiệu nhiệt đó sẽ được chiếu ngược lại lên các “điểm ảnh” lục giác trên mục tiêu, cho phép thay đổi nhiệt độ một cách chớp nhoáng để trùng khớp với cảnh quan xung quanh. Kết quả là một vật thể có thể hô biến trước mắt một người đang dùng thiết bị theo dõi hồng ngoại, hoặc nó cũng có thể được sử dụng để bắt chước tín hiệu hồng ngoại của một dòng xe khác, và thế là một chiếc xe tăng sẽ trông giống như xe dân sự.
Theo điều luật 37 của Công ước Geneva 1949, việc sử dụng đồ ngụy trang, đánh lạc hướng, tổ chức chiến dịch nghi binh và đưa thông tin sai lệch đều có thể sử dụng trong chiến tranh. “Cách ngụy trang thông thường, với mục tiêu để địch thủ nhầm lẫn với môi trường xung quanh, là hợp pháp, và việc bẻ cong ánh sáng có thể diễn giải một cách đơn giản như là một phương pháp phức tạp về mặt kỹ thuật để đạt được mục tiêu đó”, theo tờ The Guardian dẫn lời ông Boothby.
Tuy nhiên, nếu công tác ngụy trang được thực hiện bằng cách giả dạng dân sự để đánh lừa đối phương, cuối cùng tiêu diệt thành công quân địch, thì hành vi này có thể vi phạm quy tắc của Công ước Geneva ở điều khoản “cấm lừa dối”. Tương tự, việc khoác quân phục tàng hình có thể vi phạm điều luật yêu cầu phải cung cấp dấu hiệu dễ phân biệt đối phương ở khoảng cách cụ thể, và mang theo vũ khí rõ ràng.
Triển lãm lục quân Mỹ
Theo trang tin Defense News dẫn thông cáo báo chí của nhà thầu quân sự Mỹ Northrop Grumman, hãng này đã trình làng các cảm biến phòng không và phòng thủ tên lửa mới, đóng vai trò là những năng lực phòng thủ then chốt cho quân đội Mỹ trong tương lai tại Triển lãm lục quân Mỹ ở Alabama từ ngày 15 - 17.3. Ngoài ra, còn có các dòng vũ khí tối tân và hiệu quả nhất để bảo vệ quân đội Mỹ chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài như chiến đấu cơ, trực thăng chiến đấu và tên lửa đạn đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.