Viễn cảnh khí tài không người lái ở đại dương

15/01/2021 09:00 GMT+7

Hải quân Mỹ đang đẩy nhanh quá trình thiết kế và xây dựng một lớp tàu nổi không người lái cỡ lớn, nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ do thám, săn ngầm, hoặc thậm chí tham chiến.

Hải quân Mỹ vừa công bố kế hoạch đóng tàu kéo dài 30 năm, trong đó phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của Lầu Năm Góc đối với viễn cảnh sử dụng khí tài không người lái khi tham chiến trên biển, theo trang Defense One. Cụ thể, từ nay đến năm 2026, hải quân Mỹ muốn sở hữu 12 tàu nổi không người lái cỡ lớn (LUSV), 1 tàu cỡ vừa (MUSV) và 8 tàu ngầm rô bốt siêu lớn (XLUUV).
“Lầu Năm Góc tích cực rót kinh phí đáng kể cho các dự án nhằm đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện toàn bộ các năng lực không người lái, bao gồm phối hợp giữa người - máy trước khi tiến tới giai đoạn tự chủ hoàn toàn. Các hệ thống này đang được triển khai trong quá trình diễn tập, tập trận và những chiến dịch giới hạn trong thế giới thực”, theo kế hoạch.
Trong năm tài khóa 2021, hải quân Mỹ dự chi 579,9 triệu USD (khoảng 13.383 tỉ đồng) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển những dòng UV kể trên, cũng như công nghệ trang bị cho các lớp tàu mới.
Theo chuyên san USNI News, hải quân Mỹ hiện đặc biệt đẩy nhanh quá trình thiết kế và xây dựng một lớp tàu nổi không người lái cỡ lớn, nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ do thám, săn ngầm, hoặc thậm chí tham chiến trên thực tế, bên cạnh năng lực phòng thủ tên lửa. Bên cạnh đó, lực lượng cũng xúc tiến kế hoạch đóng tàu ngầm không người lái cỡ lớn, nhằm mang đến khía cạnh mới cho viễn cảnh hải chiến trong tương lai. Và sáng kiến này đang tiến triển với tốc độ nhanh chóng.
Cụ thể, vào đầu năm 2020, hai nhà thầu Boeing và Lockheed đều nhận được gói thầu thiết kế và đóng 4 chiếc ORCA. Đây là lớp tàu nhiều khả năng đảm nhận các sứ mệnh do thám trong lòng biển, và hứa hẹn khai hỏa ngư lôi theo mệnh lệnh của người điều khiển.
Ví dụ, mẫu ORCA của Boeing dựa trên tàu lặn Echo Ranger của hãng, và chiếc đang thử nghiệm có tên Echo Voyager. Con tàu có chiều dài 26 m, trọng tải 50 tấn, có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.350 m, tốc độ 8 hải lý/giờ. ORCA dự kiến được trang bị năng lực tránh chướng ngại vật, tự động nổi và sonar tối tân. Tàu Echo Voyager trong tương lai thậm chí còn có thể được trang bị ngư lôi hạng nhẹ Mk. 46 hoặc loại hạng nặng hơn là Mk. 48 để tấn công tàu nổi lẫn mang được tên lửa đối hạm.
Khả năng hoạt động bền bỉ và không cần con người can thiệp trong một thời gian dài là các thế mạnh của những dòng khí tài mới mà hải quân Mỹ muốn đẩy mạnh khai thác. Lớp tàu ORCA với đại diện là Echo Voyager của Boeing là một ví dụ điển hình. “Tính năng tự động tiên tiến cho phép Echo Voyager hoạt động hàng tháng liền (tầm hoạt động 6.500 hải lý), vượt qua nhiều vùng biển trong khi hoàn thành đủ dạng sứ mệnh khác nhau, từ săn thủy lôi đến đánh đắm tàu ngầm”, theo trang Popular Mechanics.
Với việc đẩy nhanh tốc độ đưa vào hoạt động các lớp tàu không người lái cỡ lớn, hải quân Mỹ đang tìm cách tái cơ cấu các cấu trúc hạm đội. Để phục vụ cho mục tiêu này, các hạm đội Mỹ tiến tới giảm bớt các tàu chiến cỡ lớn (như tuần dương hạm và khu trục hạm), tăng thêm các tàu cỡ nhỏ (dạng tàu hộ vệ và tàu tác chiến cận bờ) và bổ sung nhiều khí tài không người lái cỡ lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.