Vì sao Trung Quốc không muốn giảm nợ cho nhiều nước châu Phi?

Khánh An
Khánh An
27/09/2021 17:30 GMT+7

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc muốn giữ vị thế đàm phán chiến lược và còn cảm thấy thiệt thòi trong các sáng kiến quốc tế.

Theo tờ South China Morning Post phân tích mới đây, nhiều bên cho vay ở Trung Quốc đã từ chối chấp nhận giãn nợ thêm cho một số nước ở châu Phi, nơi Trung Quốc là bên cho vay song phương lớn nhất.
Trung Quốc cho rằng các ngân hàng thương mại của nước này không nên bị buộc phải giãn nợ, đồng thời chỉ trích Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chưa hành động đủ nhằm giảm gánh nặng nợ của các nước.

Hỗ trợ có giới hạn

Bắc Kinh cho biết đã có chính sách hỗ trợ đối với các khoản nợ của hàng chục nước từ năm ngoái, với số tiền lên đến 12,1 tỉ USD.
Tuy nhiên, chỉ có 4 nước đã chính thức công bố được hỗ trợ từ các bên cho vay Trung Quốc theo sáng kiến của G20, gồm Maldives (25 triệu USD), Tajikistan (40 triệu USD), Zambia (110 triệu USD) và Kenya (378 triệu USD), theo tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - Châu Phi (CARI- Mỹ).

[VIDEO] Trung Quốc mở rộng căn cứ hải quân ở châu Phi để hỗ trợ tàu sân bay

Theo ông Mark Bohlund, chuyên gia tại công ty tư vấn REDD Intelligence (Mỹ), Trung Quốc trước nay luôn chần chừ trong việc công bố rõ ràng về chính sách hỗ trợ đối với các khoản nợ của các nước đang phát triển.
Khi ký kết tham gia Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của các nước G20 đưa ra vào năm ngoái nhằm hỗ trợ các nước nghèo đối phó Covid-19, Trung Quốc đã nói rằng sáng kiến trên sẽ không áp dụng cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Ông Bohlund cho rằng Trung Quốc có cảm giác bị buộc phải hoãn thu hồi các khoản nợ theo những thỏa thuận song phương, trong khi các nước đang phát triển dự kiến sẽ tiếp tục trả nhiều khoản vay đắt hơn từ các nước G7 vốn có ít hoặc thậm chí không liên quan đến phát triển.

Lợi thế đàm phán song phương

Một số bên cho vay ở Trung Quốc cho rằng họ bất lợi hơn so với các nước khác, nhất là khi phải ủng hộ DSSI.
Tháng trước, Cục trưởng Cục sự vụ châu Phi tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nước này đã ký thỏa thuận hoãn nợ với 19 quốc gia châu Phi. “Các bên cho vay chính thức của Trung Quốc đã đóng góp lớn để triển khai DSSI”, ông phát biểu.
Tuy nhiên, ông cho rằng cộng đồng quốc tế nên giãn nợ và hỗ trợ tài chính cho các nước trên. Trung Quốc đang thúc đẩy việc cấp thêm hạn mức về quyền rút vốn đặc biệt (SDF) của IMF nhằm giúp các nước châu Phi đối phó các vấn đề về thanh khoản.
Theo chuyên gia Benjamin Barton tại Đại học Nottingham ở Malaysia, chính phủ Trung Quốc khá kín tiếng liên quan các đề xuất từ châu Phi về việc xem xét các khoản nợ, do lo ngại ảnh hưởng đến vị thế đàm phán chiến lược.

Nếu không được hỗ trợ, đảo Maldives sẽ nhanh chóng bị chìm hoàn toàn

Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng đàm phán của các nước châu Phi sẽ mạnh hơn nếu có thể cùng nhau đàm phán, thay vì đàm phán riêng lẻ và âm thầm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.