Vì sao Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không từ chức?

23/11/2016 09:41 GMT+7

Tình cảnh tưởng chừng đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không thể giữ ghế: trở thành nghi phạm, bị điều tra, bị dân chúng biểu tình chống đối dữ dội, nhưng bà vẫn không từ chức. Vì sao?

Hãng truyền thông CNN dẫn nhiều ý kiến phân tích từ các chuyên gia về 5 lý do khiến bà Park vẫn đang giữ chặt chiếc ghế tổng thống của mình:
1. Quyền miễn truy tố
Chừng nào còn ngồi trên ghế tổng thống, bà Park còn được giữ quyền miễn truy tố, trừ khi phạm tội nổi dậy hoặc phản quốc. Nếu bà Park quyết định từ chức sẽ đồng nghĩa với việc bà cởi bỏ lớp áo giáp bảo vệ kiên cố đó và có thể bị bắt. Mà viễn cảnh bị bắt không hề nhỏ trong bối cảnh các công tố viên Hàn Quốc đã chính thức truy tố 3 nhân vật thân cận với bà Park gồm người bạn thân Choi Soon-sil, 2 cựu trợ lý An Chong-bum và Jeong Ho-seong.
Người bạn thân Choi Soon-sil (ảnh) là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng chính trị đang bủa vây Tổng thống Park Geun-hyeReuters
2. Không có người thay
Nếu bà Park từ chức vào lúc này, chưa có ai sẵn sàng ngồi vào chiếc ghế nóng trong Nhà Xanh. Ở Hàn Quốc, Thủ tướng chỉ đóng vai trò lễ tân. Và mặc dù Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đã bị bà Park sa thải hồi đầu tháng 11, ông vẫn đại diện cho bà tại Hội nghị cấp cao APEC tại Peru. Bà Park đã bổ nhiệm giáo sư đại học Kim Byong-joon thay thế ông Hwang nhưng Quốc hội vẫn chưa thông qua sự bổ nhiệm này.
Còn với ghế tổng thống quyền lực, chưa thấy có nhân vật nặng ký nào tuyên bố sẵn sàng tranh giành nó với bà Park. Báo chí Hàn Quốc mấy ngày qua có nói tới viễn cảnh ông Ban Ki-moon vào Nhà Xanh. Nhưng ông còn đang bận rộn với công việc của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, phải đến tháng 12.2016 mới hết nhiệm kỳ. Và bản thân ông Ban cũng chưa hề nói gì về việc trở về quê hương làm tổng thống.
Một cuộc biểu tình rầm rộ chống bà Park Reuters
Ông John Delury, một chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học Yonsei nhận xét rằng việc ông Ban có quan hệ thân cận với đảng của bà Park cũng như việc ông đứng ngoài cuộc quá lâu không phải là thế mạnh để ông tranh cử tổng thống Hàn Quốc.
3. Không bị "người nhà" ép
Mặc dù dư luận đang gây sức ép ầm ĩ với các cuộc biểu tình rầm rộ đòi bà Park từ chức, bản thân bà không chịu mấy áp lực từ chính bên trong đảng phái của mình. Cả các đảng đối lập cũng vậy, mặc dù cũng đã có những lời kêu gọi bà Park từ chức từ các đảng này, nhưng theo ông Paul Cha - một chuyên gia về Hàn Quốc ở Đại học Hồng Kông, nhìn chung phe đối lập cũng chỉ nhắm tới mục tiêu luận tội bà Park.

tin liên quan

Người ủng hộ tổng thống Hàn Quốc xuống đường
Ngày 19.11, khoảng 67.000 người tập hợp tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Park Geun-hye và kêu gọi bà không chịu thua trước áp lực đòi từ chức.
4. Đảng đối lập chưa đủ sức
Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Southern California (Mỹ), ông Dave Kang phân tích rằng chính vì thiếu một nhân vật nổi trội mà tới thời điểm này, các đảng đối lập cũng không thể mạnh miệng thúc ép bà Park từ chức. CNN dẫn lời ông cho hay: “Ai cũng biết rằng bà ấy mà từ chức thì sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực và bất ổn chính trị có thể xảy ra".
Nếu bà Park từ chức, bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Rất rõ ràng: lực lượng đối lập chưa chuẩn bị sẵn sàng để tung ra được một gương mặt nào có khả năng thay thế bà Park.
5. Con nhà nòi
Bà Park sẽ không dễ gì bỏ cuộc nếu chưa chiến đấu tới cùng! Reuters
Tổng thống Park chính là con của ông Park Chung-hee, người nắm giữ chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc trong giai đoạn dài từ 1961-1979. Ông Park đã bị chính giám đốc tình báo Hàn Quốc ám sát chết. Trước đó 5 năm, mẹ bà cũng qua đời vì bị ám sát.
Sau 2 cái chết thảm của cha mẹ, cô con gái Park Geun-hye vẫn không tỏ ra chùn bước, thậm chí còn đấu tranh không mệt mỏi để chính mình bước vào Nhà Xanh. Bà sẽ không dễ gì chịu bị phế truất khỏi vị trí đó!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.