Vì sao thế giới cần luật biển?

12/07/2016 14:00 GMT+7

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là nền tảng để tòa trọng tài quốc tế ngày 12.7 đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

UNCLOS có 320 điều và 9 phụ chương, quy định các vấn đề liên quan đến các đại dương và vùng biển, bao gồm cả đáy biển, chủ quyền quốc gia, việc khai thác tài nguyên biển, tự do hàng hải và tranh chấp giữa các nước, theo AFP.
Theo website của Liên Hiệp Quốc, UNCLOS “thiết lập hệ thống luật pháp và trật tự toàn diện ở các đại dương và vùng biển trên thế giới, thiết lập những quy định đối với tất cả hoạt động sử dụng các đại dương và tài nguyên biển”.
Trong thế kỷ 17, quyền lợi trên biển của các quốc gia chỉ giới hạn ở “vành đai hẹp” bao quanh vùng duyên hải của nước đó. “Ngoài vành đai hẹp thì tất cả tài nguyên trên biển là thuộc về mọi người, chứ không riêng ai”, theo Liên Hiệp Quốc. Đến nửa cuối kỷ 20, công nghệ mới, kỹ thuật khai thác khí đốt tự nhiên và dầu mỏ ngày càng phát triển, cùng với sự bùng nổ dân số đã kéo theo căng thẳng giữa các nước quanh những ngư trường dồi dào và những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Vào năm 1945, Mỹ đã đơn phương mở rộng lãnh hải nước này; sau đó Argentina, Ethiopia, Ả Rập Xê Út, cùng một số nước khác có động thái tương tự nhằm mở rộng hoạt động nghề cá, khai thác dầu mỏ, khí đốt. Từ đó, mối đe dọa phá hoại đại dương ngày càng gia tăng: từ tàu ngầm hạt nhân dưới đáy biển cho đến việc tranh giành khai thác dầu khí cùng những vụ tràn dầu, theo AFP.
Trước thềm phán quyết của PCA, Trung Quốc hùng hổ tập trận hải quân lớn nhất với 3 hạm đội tham gia, cấm tàu bè, máy bay các nước lưu thông ở khu vực biển rộng 100.000 km2 từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam THX
Trước nguy cơ xung đột xảy ra có thể phá hoại các đại dương, Đại sứ Malta tại Liên Hiệp Quốc Arvid Pard vào năm 1967 kêu gọi Liên Hiệp Quốc xây dựng một cơ chế quốc tế hiệu quả về việc khai thác tài nguyên dưới đáy biển.
Hội nghị đầu tiên của Liên Hiệp Quốc bàn về UNCLOS được tiến hành tại thành phố New York, Mỹ vào năm 1973. Trong 9 năm sau, đại diện các quốc gia đã tranh luận, đàm phán để đưa ra UNCLOS.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối cùng thông qua UNCLOS vào tháng 4.1982. Theo AFP, có 150 quốc gia ký kết tham gia UNCLOS và nó bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11.1994.
Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario phát biểu tại phiên phân xử ở PCA hồi tháng 7.2015 PCA
Từ đó, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS, tại Hamburg, Đức), Toà án Công lý Quốc tế (ICJ, tại The Hague, Hà Lan), Tòa trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) được hình thành và có thể đưa ra những phán quyết về các vấn đề trong khuôn khổ UNCLOS.
Hồi năm 1999, ITLOS từng đưa ra phán quyết về quota đánh bắt cá ngừ vây xanh hằng năm sau vụ tranh chấp gay gắt giữa Úc, Nhật Bản và New Zealand.
Vào năm 2015, chiếu theo UNCLOS, PCA phán quyết buộc Nga phải bồi thường cho Hà Lan sau vụ Moscow bắt giữ tàu Arctic Sunrise của tổ chức Hòa bình Xanh trong lúc tàu này đến gần giàn khoan dầu của Nga ở Bắc Cực nhằm biểu tình phản đối khai thác dầu mỏ tại đây.
Những ngày này, thế giới đang theo dõi việc PCA dự kiến công bố phán quyết vào lúc 11 giờ sáng 12.7 (16 giờ theo giờ Việt Nam) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông.
Vào năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA, phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố phớt lờ phán quyết của toà, cho rằng PCA không có quyền tài phán.
Tuy nhiên UNCLOS cho phép PCA đưa ra phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thậm chí kể cả một bên vắng mặt trong các phiên phân xử, theo đài NBC (Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.