Vì sao lực lượng Afghanistan thất thủ quá nhanh trước Taliban?

15/08/2021 12:07 GMT+7

Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chính phủ Afghanistan đã thất thủ trước Taliban ở gần hết các thành phố của nước này. Giờ đây, chỉ còn Kabul là thành trì cuối cùng.

Taliban đã bao vây Kabul tứ phía

Toàn bộ miền bắc của Afghanistan đã rơi vào tay Taliban sau khi Mazar-i-Sharif, thành phố lớn thứ 4 và nơi được coi là thành trì cuối cùng của chính phủ Afghanistan tại miền bắc đã thất thủ, theo Reuters.
Hôm 14.8, Taliban tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Logar, nằm sát thủ đô Kabul ở hướng nam. Cùng ngày, Al Jazeera dẫn lời nữ nghị sĩ Hoda Ahmadi của tỉnh Logar cho hay Taliban tiến quân đến huyện Char Asyab, chỉ cách Kabul khoảng 11 km về hướng nam.

Taliban áp sát Kabul, sắp có chuyển giao quyền lực tại Afghanistan

Taliban cũng đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở phía tây. Tính đến tối 14.8, chỉ còn Jalalabad và thủ đô Kabul là hai thành phố lớn tại miền đông Afghanistan chưa rơi vào tay Taliban. Tuy nhiên, quan chức địa phương cho biết Taliban đã chiếm được Jalalabad vào rạng sáng 15.8.
Như vậy, chỉ còn Kabul là thành phố lớn cuối cùng mà lực lượng chính phủ còn kiểm soát. Hiện Taliban đang bao vây Kabul tứ phía với các mũi tấn công và tiến sát thủ đô Afghanistan.

Lực lượng chính phủ thất thủ quá nhanh

Theo tờ New York Times, một số thành phố diễn ra giao tranh ác liệt suốt nhiều tuần qua, nhưng nhiều khu vực và các thành phố lớn ghi nhận tình trạng lực lượng chính phủ bị đánh bại nhanh chóng hoặc thậm chí đầu hàng hàng loạt mà chưa cần giao tranh với Taliban, kể cả các thủ phủ chiến lược.
Mới nhất là Jalalabad – thành trì phía đông đất nước bị rơi vào tay Taliban mà không gặp phản kháng, không có giao tranh vì lãnh đạo địa phương đã đầu hàng.

Lực lượng biệt kích Afghanistan bàn bạc tại một sân bay ở tỉnh Helmand, nơi được dùng làm trung tâm chỉ huy tạm thời

New York Times

Trước đó, lãnh đạo hội đồng tỉnh Balkh, ông Afzal Hadid cho biết Taliban đã chiếm được thành phố Mazar-i-Sharif, nơi được coi là thành trì cuối cùng của chính phủ Afghanistan tại miền bắc bị chiếm mà cũng không có sự phản kháng nào. Ông Hadid nói rằng toàn bộ binh sĩ chính phủ Afghanistan bỏ lại vũ khí và chạy về biên giới Uzbekistan, theo Reuters.
Taliban cũng chiếm được nhiều trực thăng và trang thiết bị, vũ khí trị giá hàng triệu USD mà Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan.

Tổng thống Biden điều động 5.000 lính Mỹ đến Afghanistan

Tại sao như thế?

Sự thất thủ và đầu hàng nhanh chóng diễn ra dù Mỹ đã rót tới hàng chục tỉ USD vào vũ khí, trang thiết bị lẫn huấn luyện cho lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan suốt hai thập niên qua.
Xây dựng và trang bị bộ máy lực lượng an ninh Afghanistan từng là một trong những ưu tiên chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tìm cách chuyển giao cho chính phủ Afghanistan để rút ra khỏi nước này gần một thập niên trước. Nỗ lực của Mỹ đã tạo ra một bộ máy mô phỏng hình ảnh quân đội Mỹ, thế nhưng mục tiêu trên có vẻ đã không thành.
Theo tờ New York Times, trong khi tương lai Afghanistan dường như ngày càng bất ổn, thì một điều ngày càng trở nên rõ ràng đó là mục tiêu xây dựng quân đội Afghanistan mạnh mẽ và độc lập của Mỹ đã thất bại, và minh chứng chính là việc họ dễ dàng và nhanh chóng thất thủ trước Taliban như những gì thế giới đang thấy.

Các tay súng Taliban trước trụ sở chính quyền Herat ngày 14.8

AFP

Không phải chỉ mới tuần qua, khi các thành phố lớn lần lượt rơi vào tay Taliban mới thấy lực lượng chính phủ Afghanistan rệu rã mà điều này xảy ra từ nhiều tháng trước, thậm chí trước cả thời điểm Tổng thống Joe Biden chính thức tuyên bố rút quân hồi tháng 5.
Nó bắt đầu từ những tiền đồn riêng lẻ ở các vùng nông thôn – nơi mà các đơn vị quân đội và cảnh sát thiếu thốn, cạn kiệt đạn dược. Taliban bao vây và hứa hẹn cho họ rút đi an toàn nếu đầu hàng và để lại vũ khí. Những điều như vậy lần lượt diễn ra giúp các tay súng Taliban dần kiểm soát các đường phố rồi toàn bộ các vùng nông thôn. Khi tiền đồn sụp đổ, lực lượng an ninh Afghanistan đều dẫn chung lý do rằng không có yểm trợ trên không và họ cũng đã cạn kiệt lương thực lẫn đạn dược, theo New York Times.
Thế nhưng, không chỉ có vậy. Lực lượng an ninh Afghanistan rệu rã và thiếu tính tổ chức đã từ lâu. Trên giấy tờ, họ có khoảng 300.000 binh sĩ, nhưng theo giới chức Mỹ, gần đây con số thực tế chỉ bằng 1/6 số đó. Lý do thì có nhiều, trong đó có phần từ phía phương Tây khi cứ kiên quyết xây dựng lực lượng đầy đủ hiện đại đáp ứng những yêu cầu phức tạp về trang thiết bị lẫn hậu cần. Một khi không có sự tham gia của Mỹ và NATO thì tất cả cũng đổ sông đổ bể.
Ngoài ra, lực lượng an ninh Afghanistan cũng chán chường với giới lãnh đạo khi họ biết rõ thực tế về lực lượng ít hơn nhiều so với trên giấy nhưng vẫn làm ngơ.
Tổng hòa nguyên nhân nội tại và tác động bên ngoài khiến lực lượng an ninh Afghanistan không thể hiện được sức chiến đấu và thậm chí dễ dàng đầu hàng ở nông thôn. Khi Taliban tiến vào các thành phố, tốc độ kiểm soát còn nhanh hơn. Chỉ trong vòng một tuần lễ, Taliban chiếm gần hết thành phố lớn của đất nước, chỉ còn thủ đô Kabul là thành phố cuối cùng mà lực lượng chính phủ còn kiểm soát.
Tướng Abbas Tawakoli, chỉ huy quân đoàn 217 của Afghanistan nói rằng sự thất bại của lực lượng chính phủ không phải vì tranh đấu mà là kết quả của chiến tranh tâm lý.
Các nhóm vũ trang thiểu số làm đồng minh với lực lượng chính phủ cũng nhanh chóng bị đẩy lùi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.