Vén màn 'thần dược' của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

16/04/2016 10:05 GMT+7

Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã nhồi đủ loại thuốc nhằm kéo dài năng lực chiến đấu của binh lính.

Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã nhồi đủ loại thuốc nhằm kéo dài năng lực chiến đấu của binh lính.

Binh sĩ Mỹ tại Việt Nam vào năm 1966 - Ảnh: U.S ArmyBinh sĩ Mỹ tại Việt Nam vào năm 1966 - Ảnh: U.S Army
Chiến tranh Việt Nam là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất đến chiều hướng phát triển chính trị và địa chiến lược thế giới trong thế kỷ 20. Tạp chí The Atlantic dẫn lời một số sử gia gọi đây là “cuộc chiến hậu hiện đại đầu tiên” theo nghĩa nó khác hẳn mọi cuộc chiến trước đó về nguyên lý chiến thuật, chiến lược và vũ khí, mở ra một thời kỳ mới mà trong đó, các chuyên gia phải đưa ra những định nghĩa, những khái niệm mới trong chiến tranh.
Theo cuốn sách mới của tiến sĩ Lukasz Kamienski mang tên A Short History of Drugs and War (tạm dịch: Lược sử ma dược và chiến tranh), chiến tranh Việt Nam còn là “cuộc chiến dược lý” đầu tiên, do khối lượng khổng lồ các dược chất tác động đến hành vi các binh sĩ trên chiến trường ở mức không tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ. Cuốn sách dẫn lời triết gia Anh Nick Land mô tả chiến tranh Việt Nam là “một điểm quyết định trong sự giao thoa của ngành dược và công nghệ xung đột”.
Cắn thuốc như nhai kẹo
Trong giai đoạn sau Thế chiến 2, có rất ít cuộc nghiên cứu được triển khai nhằm đưa ra kết luận về ảnh hưởng tích cực của thuốc kích thích thần kinh amphetamine (một dạng ma túy tổng hợp) đến sự thể hiện của binh sĩ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn quyết định cung cấp một cách thừa mứa amphetamine cho lực lượng tham chiến tại Việt Nam.
Các loại thuốc kích thích được gọi chung là “Pep pill”, thường được phân phát cho những đơn vị chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm xa và phục kích. Tuy nhiên, chẳng ai màng đến chuyện phải tuân thủ liều lượng tiêu chuẩn khi kê đơn, được quy định là 20 mg cho 48 giờ sẵn sàng chiến đấu. Một cựu binh kể trong A Short History of Drugs and War rằng ông và các đồng đội “cắn thuốc như nhai kẹo”.
Trực thăng UH-1D đổ lính Mỹ xuống thung lũng Iadrang, Việt Nam  năm 1965 - Ảnh: Quân đội Mỹ

Hồi năm 1971, Hạ viện Mỹ đã ra báo cáo đặc biệt cho thấy từ năm 1966 -1969, lực lượng vũ trang Mỹ đã sử dụng 225 triệu viên thuốc kích thích, hầu hết là dexedrine (dextroamphetamine), một loại thuốc dẫn xuất từ amphetamine. Trong giai đoạn đó, mỗi năm, một binh sĩ hải quân Mỹ uống trung bình 21,1 viên dexedrine, không quân 17,5 viên, còn lục quân 13,8 viên, chưa kể các loại khác.
So với các cuộc chiến trước đó, số cựu binh Mỹ trên chiến trường Việt Nam mắc tình trạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cao hơn hẳn. Dù không có con số chính xác, ước tính có từ 400.000 - 1,5 triệu cựu binh Mỹ mắc PTSD. Theo kết quả nghiên cứu sự thích nghi của cựu binh trên chiến trường Việt Nam được công bố vào năm 1990, có đến 15,2% số người tham chiến tại Đông Nam Á bị các vấn đề về tâm lý và PTSD kéo dài.
The Atlantic dẫn lời Elton Manzione, cựu thành viên của một trung đội trinh sát tầm xa, nói: “Chúng tôi xài loại amphetamine xịn nhất và tất cả đều do chính phủ cung cấp”.
Ông nhớ lại từng nghe một biệt kích hải quân ca tụng những loại thuốc này “giúp người ta trở nên can đảm hơn cũng như duy trì trạng thái tỉnh táo. Mắt nhìn rõ hơn, tai trở nên thính hơn và não bạn kết nối chặt chẽ với mọi chuyển động xung quanh. Có những thời điểm bạn có cảm giác mình thật sự bất bại”.
Ngoài ra, thành viên các đội biệt kích chuyên xâm nhập qua biên giới Lào thường nhận một túi thuốc bao gồm 12 viên darvon (một dạng thuốc giảm đau nhẹ), 24 viên codeine (thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện) và 6 viên dexedrine cho nhiệm vụ kéo dài khoảng 4 ngày.
Đặc biệt, trước khi xuất kích cho các nhiệm vụ dài ngày, binh sĩ biệt kích còn được tiêm thuốc kích thích steroid, theo A Short History of Drugs and War.
Đội quân nghiện ngập
Nghiên cứu của tiến sĩ Kamienski cho thấy 3,2% số binh sĩ Mỹ nghiện amphetamine trước khi được triển khai đến Việt Nam nhưng chỉ một năm sau, tỷ lệ này tăng lên 5,2%. Việc sử dụng các loại thuốc kích thích trên chiến trường đã góp phần làm lan tràn thói quen ngốn thuốc bất kể giới hạn của các binh sĩ, từ đó dẫn đến những hậu quả thảm khốc.
The Atlantic dẫn lời nhiều cựu binh Mỹ kể lại rằng amphetamine tạo cảm giác hưng phấn tạm thời và khiến con người trở nên hung hãn hơn. Một số người nhớ lại khi tan thuốc, họ cảm thấy vô cùng bức bối và cáu kỉnh, có cảm giác muốn “bắn tất cả những người xung quanh”.
Những hợp chất kích thích thần kinh không chỉ nhằm tăng cường năng lực cho binh sĩ, mà còn được sử dụng cho mục tiêu giảm ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của họ trước những cảnh tượng đẫm máu trên chiến trường. Nhằm ngăn chặn tình trạng suy sụp tinh thần của binh lính, Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng nhiều dạng thuốc an thần.
Về mặt tổng thể, tác giả David Grossman trong quyển sách On Killings (tạm dịch: Về chuyện giết chóc) cho rằng chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến đầu tiên mà các ảnh hưởng của dược lý học hiện đại được sử dụng trực tiếp nhằm gia tăng năng lực của binh sĩ trên chiến trường”.
Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, việc kê đơn các loại thuốc chống loạn thần kinh công dụng mạnh như chlorpromazine, được Hãng GlaxoSmithKline sản xuất và phân phối với cái tên thorazine, đã trở thành chuyện thường ngày. Tuy nhiên, tác dụng được cho là tích cực của những loại thuốc này trên thực tế lại được nhận định một cách vô cùng thiển cận.
Kamienski và nhiều chuyên gia khác khẳng định những loại thuốc trên chỉ có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng trong thời gian tạm thời. Chỉ uống thuốc mà không trải qua quá trình điều trị tâm lý chỉ có thể làm dịu bớt, hoặc tạm thời làm tê liệt cảm giác căng thẳng hoặc tổn thương, nhưng chúng vẫn tiếp tục cắm rễ sâu theo thời gian. Nhiều năm sau, tình trạng bệnh tật có thể đột ngột bùng nổ với sức mạnh hủy hoại gấp nhiều lần.
Trong cuốn sách tựa đề Flashback (tạm dịch: Hồi tưởng), tác giả Penny Coleman dẫn lại lời một nhà tâm lý học quân đội nói rằng: “Những gì đã diễn ra ở Việt Nam tương tự như việc gây tê vết thương bị súng bắn trước khi đẩy người lính trở lại chiến trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.