Về đâu sau thảm họa vỡ đập

29/07/2018 11:00 GMT+7

Hơn 6.000 người đang lâm cảnh màn trời chiếu đất sau vụ vỡ đập thủy điện tại Lào, nhưng gian khổ lớn hơn vẫn còn trước mắt.

Không còn nhà cửa, tài sản, những ngày sắp tới, người dân các bản May, Tha Hín, Sơ Moong, Hín Lạt, Tha Xéng Chăn, Phu Coong… sẽ sống ra sao? Đó là câu hỏi được nhiều người dân lặp đi lặp lại những ngày này nhưng chưa ai trả lời được. Sau khi lũ rút, còn lại nỗi đau mất người thân, nhà cửa, ruộng vườn, của cải, gia súc, gia cầm cả đời tích góp. Đường về nhà của cư dân vùng lũ mấy hôm nay vẫn ngập trong bùn đỏ, nguồn nước sạch không có, thực phẩm cạn dần, đường vào cứu trợ quá xa xôi, trắc trở, trong khi mùa mưa ở Lào còn đến tận tháng 10 mới kết thúc.
Chỉ còn lại cái nền nhà
Sáng 28.7, phóng viên Thanh Niên theo chân một đoàn cứu hộ vào bản May, một trong 6 bản bị tàn phá nặng nề nhất trong thảm họa vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu đêm 23.7. Tất cả đều tan hoang dưới sức mạnh kinh hoàng của dòng lũ. Một số căn nhà chỉ còn bộ khung bên cạnh một số khác mất nóc hoặc chỉ sót vài cái cột. Còn lại, nhiều ngôi nhà đã biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại nền đất, trong đó có nhà của 4 hộ dân Việt tại bản May. Chỉ sau một đêm, tất cả trở thành tay trắng.
Một cụ già được cõng từ trực thăng vào khu tị nạn. Ảnh: Lam Ngọc
“Giấc ngủ chập chờn, chân tay buồn bực. Cứ sáng là chạy ra chỗ cứu hộ xem có ai về bản để hỏi thăm. Nghe nói nhà đã trôi mất, tôi sốt ruột mượn ca nô chạy về thì chết sững. Nhà trôi mất, xung quanh nhà chỉ thấy xác gia súc, gia cầm chết trương. Cây cối, bò, gà không còn một bóng nào. Quay vào huyện đón người thân về nhìn nhà thì không được cho vào nữa. Khi nào ổn định, khi nào mọi thứ trở lại bình thường? Chưa ai trả lời được”, anh Trần Văn Biền (47 tuổi, một hộ dân người Việt ở bản May) chia sẻ.
[VIDEO] Vỡ đập nước ở Lào: Xúc động giải cứu em bé khỏi cơn lũ
Nói về tình cảnh của mình hiện tại, anh cho biết thêm:
“Cả nhà 2 vợ chồng và 4 đứa con chỉ trông vào cái máy xay xát. Nhưng trận lũ vừa rồi đã cuốn sạch máy móc cùng mấy trăm bao gạo và toàn bộ nhà cửa. Lúc chạy lũ hoang mang quá, vợ chồng tôi chẳng kịp mang theo gì. Ra khỏi vùng lũ trên người chỉ còn cái quần đùi. Ra tới nơi, anh em phải cho quần áo, cơm ăn. Mấy ngày nay vợ chồng con cái chúng tôi tá túc tại garage ô tô của người ta”. Cũng như nhà anh Biền, sau một đêm ngủ dậy, gia đình chị Vy Thị Thoa (37 tuổi, quê Thanh Hóa) bỗng lâm cảnh vô gia cư. Suốt 5 ngày nay, mỗi ngày chị tá túc một nơi. Bán tạp hóa nên toàn bộ vốn liếng đổ vào hàng. Lũ cuốn trôi hàng cũng có nghĩa là cuốn trôi toàn bộ tài sản gia đình chị, bao gồm cả tiền vốn đi mượn. Mất nhà, giờ chị Thoa còn thêm một món nợ lớn. Chị buồn rầu bảo giờ đang hoảng loạn, chị cũng chưa biết sắp tới sẽ thế nào. Trước mắt, chị và các con cứ tá túc qua ngày đợi hồi phục tinh thần rồi tính tiếp.
[VIDEO] Việt kiều ở Lào "chỉ còn quần đùi" sau thảm họa vỡ đập
Bỏ bản ?
Trong khi những người dân Việt tá túc ở nhà người thân, người quen thì dân bản Lào chen chúc nhau tị nạn ở các trường học, trụ sở ủy ban huyện. Tắm rửa, sinh hoạt đều tạm bợ. Cái ăn, cái mặc trông vào cứu trợ của chính quyền và những nhà hảo tâm. Nhưng ít ra họ còn may mắn hơn nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi cả nhà. Thậm chí, có những dòng họ 2 - 3 đời sống quây quần thành khu giờ cũng biệt tích.
Anh Pu ở bản Khok Kong ăn mía cầm hơi trong 3 ngày trước khi được cứu trợ. Ảnh: Nguyễn Đình
Gặp anh Tuy và chị Bit đang ôm đứa con nhỏ chưa đầy 5 tuổi bên ngôi nhà đầu bản Khok Kong, anh Tuy vừa về lại nhà để tìm thông tin của cha mẹ. Anh kể: “Tối hôm lũ về (ngày 23.7 - NV), tôi và cả nhà chẳng hiểu sao nước lên lớn đến thế. Lúc nước đến đầu gối, tôi quyết định xếp tạm mọi thứ, khóa cửa, rồi bảo ba mẹ lội nước ra đường ngoài huyện, còn tôi lấy máy xới chạy vào bản Hín Lạt phía trong đón vợ và 2 con nhỏ đi lánh nạn. Xe chạy đến đâu, nước lũ đuổi theo đến đấy, may mà tôi đón kịp vợ con, cứ thế nhắm hướng chân núi mà chạy”. Còn cha mẹ anh đã 5 ngày trôi qua nhưng vẫn chưa có tung tích. Nhớ lại đường từ huyện Sanamxay vào Khok Kong, chúng tôi không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng hướng đi của cha mẹ anh Tuy lúc ấy chẳng khác nào dấn mình vào dòng lũ.
Lần theo hướng chỉ đường của anh Kham Soi (33 tuổi), chúng tôi tìm về khu nhà anh ở bản Sơ Moong nhưng cũng chỉ còn nền đất trống. Xem xong tấm ảnh chụp nhà cửa tan hoang, anh Soi bần thần một hồi lâu rồi lẩm bẩm: “Giờ không còn nhà thì phải về đâu? Bỏ bản hay về?”. “Chưa kể chuyện thiệt hại, số người mất tích, số hoa màu mất trắng, cái khủng khiếp nhất là không biết bao giờ người dân có thể khắc phục được hậu quả để trở lại cuộc sống bình thường, vì bao đời qua, họ chưa bao giờ đối mặt với loại thảm họa ghê gớm đến thế”, kỹ sư xây dựng Sengsamai Inthalivanh (quê ở Sekong), người đang tích cực tham gia cứu trợ, ngậm ngùi nói.
Tối 28.7, bà Bounhom Bounnaseng, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Attapeu, cho các phóng viên hay tính đến thời điểm hiện tại có ít nhất 8 người chết, 4.733 người được đưa về nơi an toàn, vẫn còn 1.407 người mắc kẹt và 1.226 người chưa có thông tin. Như vậy, so với số liệu được công bố trước đó, số người chết giảm 19 người nhưng số mất tích tăng đến hơn 1.000 người. Theo nhà chức trách Lào, việc số nạn nhân không được thống kê rõ vì chiến dịch cứu hộ gặp nhiều thách thức phức tạp, có nhiều khu vực khó tiếp cận.
Cùng ngày, Hãng thông tấn Lào KPL dẫn lời Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Khammany Inthirath cho rằng nguyên nhân vụ vỡ đập là do “xây dựng không đạt chuẩn”; còn Công ty xây dựng và kỹ thuật SK của Hàn Quốc, thuộc liên doanh xây đập Xe Pian-Xe Namnoy, nói còn quá sớm để có thể khẳng định nguyên nhân.
Lam Ngọc - Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.