Ván cờ yếu thế của Thủ tướng Anh

10/06/2017 07:06 GMT+7

Kết quả tổng tuyển cử trước hạn tại Anh đã đi ngược hoàn toàn với dự tính của thủ tướng nước này, Theresa May.

Kết quả kiểm phiếu công bố ngày 9.6 cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng May vẫn dẫn đầu với 319 ghế tại Hạ viện Anh nhưng không đạt thế đa số (326/650 ghế) để có thể tự lập nội các. Theo tờ Le Monde, Công đảng tuy chỉ về thứ hai với 261 ghế nhưng đã tăng được 31 ghế. Sự lựa chọn của cử tri trong ngày tổng tuyển cử 8.6 thật sự là thất bại không thể ngờ đối với bà May. Trước đó, đảng Bảo thủ chiếm thế đa số với 330 ghế và kỳ tổng tuyển cử lẽ ra sẽ diễn ra vào năm 2020. Tuy nhiên, nữ thủ tướng đã vận động bầu cử trước thời hạn vì tự tin đảng Bảo thủ sẽ chiến thắng, tăng thêm ghế ở Hạ viện và giúp bà có thêm vị thế vững chắc để ngồi vào bàn đàm phán về việc Anh rời khỏi EU (Brexit).
Hôm qua, Thủ tướng May đã yết kiến Nữ hoàng Elizabeth II để xin phê chuẩn thành lập chính phủ mới. Với kết quả trên, đảng Bảo thủ sẽ phải liên minh với DUP, một đảng nhỏ ở Bắc Ireland được 10 ghế trong kỳ tổng tuyển cử, đủ để đạt đa số quá bán. Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Anh tuyên bố: “Chính phủ mới có nhiệm vụ đàm phán Brexit vào giai đoạn mang tính bước ngoặt của lịch sử đất nước cũng như giữ vững an ninh quốc gia”. Trong khi đó, mục tiêu của DUP khi chấp nhận liên minh là nhằm đạt được một số quyền lợi cho Bắc Ireland như gia tăng nguồn tài trợ du lịch địa phương, tăng trợ giá giao thông công cộng, giảm giá phà từ Anh sang Bắc Ireland...

tin liên quan

EU và Anh chính thức kích hoạt Brexit
Ngày 29.3, EU và Anh đã bắt đầu tiến trình đàm phán để nước này rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), theo dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.

Thành lập chính phủ mới với thế đa số sít sao, Thủ tướng Anh đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn về đối nội lẫn đối ngoại và đã xuất hiện một số lời kêu gọi bà từ chức.

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn tuyên bố: “Bà May đã mất phiếu, mất sự ủng hộ và sự tin tưởng. Bấy nhiêu đủ để bà ấy phải ra đi”. Theo giới quan sát, chiến dịch vận động tranh cử của đảng Bảo thủ không gây được ấn tượng và đặc biệt là việc nước Anh hứng chịu đến 3 đợt tấn công trong vòng chưa tới 3 tháng đã khiến cử tri giảm lòng tin vào chính phủ của Thủ tướng May.
Ngoài ra, bà May muốn có thế đa số áp đảo để có thể cứng rắn trong đàm phán về Brexit nhưng cử tri nước này đang ngày càng hoài nghi về một tương lai “không EU”. UKIP, đảng đầu tàu trong chiến dịch Brexit, đã thất bại thảm hại khi không có nghị sĩ nào tại Hạ viện. London sẽ nói lời chia tay để rồi lại phải điều đình nhằm giữ được càng nhiều quan hệ kinh tế với EU càng tốt, nếu không muốn từ vị trí trung tâm và cửa ngõ tài chính của châu Âu trở thành kẻ ngoài cuộc. Luận điểm ly khai EU sẽ giúp tăng cường an ninh vì kiểm soát biên giới, siết chặt nhập cư cũng bị thực tế bác bỏ khi những vụ tấn công trong thời gian qua ở Anh và châu Âu phần lớn do người bản xứ gây ra. Theo dự kiến, đàm phán Brexit sẽ bắt đầu từ ngày 19.6 và kết quả bầu cử sẽ khiến Thủ tướng May phải thể hiện mềm mỏng hơn thay vì thái độ cương quyết như trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.