Uy lực vũ khí Mỹ tập trận đổ bộ ở Biển Đông

10/06/2020 14:30 GMT+7

Gần đây, Mỹ liên tục trình diễn các phương tiện, khí tài và vũ khí qua các video clip về nội dung tập trận ở Biển Đông.

Ngày 8.6, một trang tin của Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố video clip cuộc tập trận được giới thiệu là diễn ra ở Biển Đông. Nội dung là Nhóm tác chiến viễn chinh USS America tập trận đổ bộ.
Vài tháng trước, trang tin trên cũng đăng tải đoạn phim dài 52 giây về việc phối hợp hoạt động giữa Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và Nhóm tác chiến viễn chinh USS America trên Biển Đông. Kèm theo đó là nhiều hình ảnh liên quan. Ngoài việc triển khai tập trận với máy bay tiêm kích thế hệ 5 tàng hình F-35 thì nội dung còn có nhiều phần về tập trận đổ bộ.
Qua hình ảnh từ các đoạn phim và hình chụp kèm theo, Mỹ đã giới thiệu nhiều loại khí tài và vũ khí để đáp ứng việc tác chiến đổ bộ lên các đảo, mà nội dung tập trận được cho là ở Biển Đông và khu vực xung quanh. Dưới đây là những món “đồ chơi” nổi bật vừa nêu.

Tàu đổ bộ USS Green Bay (LPD 20) lớp Antonio và máy bay trực thăng chiến đấu Bell AH-1Z Viper

USS Green Bay là tàu vận tải đổ bộ thuộc lớp Antonio có độ choán nước toàn tải lên đến 25.000 tấn. Tàu này có thể chở theo 800 binh sĩ cùng trang thiết bị hùng hậu như máy bay vận tải Osprey MV-22, máy bay vận tải CH-46 Sea Knight. Trong đó, dòng máy bay vận tải CH-46 Sea Knight có tầm bay khoảng 1.000 km, tốc độ tối đa đạt 260 km/giờ và chở theo 24 binh sĩ.

Máy bay vận tải Osprey MV-22 trên tàu đổ bộ USS America

Osprey MV-22 là dòng máy bay vận tải có thể cất hạ cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng nên hoạt động linh hoạt hơn nhiều so với các dòng máy bay vận tải sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt. Với hệ thống cánh quạt chuyển đổi, nó có thể di chuyển như máy bay động cơ tuốc bin cánh quạt và đạt tốc độ tối đa xấp xỉ 500 km/giờ. Tốc độ này nhanh hơn hẳn các dòng trực thăng vận tải. Chính vì thế, đây là dòng máy bay kết hợp giữa tính linh hoạt của máy bay trực thăng và tốc độ của máy bay động cơ tuốc bin cánh quạt.

Hình ảnh binh sĩ Mỹ lên máy bay Osprey MV-22 để tập trận đổ bộ ở Biển Đông

Ngoài ra, tàu vận tải đổ bộ lớp Antonio còn có thể mang theo 2 tàu đổ bộ đệm khí, hoặc 1 tàu đổ bộ loại truyền thống để đưa binh sĩ vào đất liền. Loại tàu đổ bộ truyền thống này của Mỹ có thể chở theo hàng chục binh sĩ cùng xe tăng, xe bọc thép… và một số vũ khí cần thiết. Trong một video tập trận ở Biển Đông, quân đội Mỹ cũng đã công bố cả hình ảnh tàu đổ bộ đệm khí tham gia.

Tàu đổ bộ đệm khí tập trận ở Biển Đông

Ảnh: PACOM

Ưu điểm của tàu đổ bộ đệm khí là tốc độ di chuyển cực nhanh, lên đến hơn 70 km/giờ, có thể mang theo 180 binh sĩ hoặc 1 xe tăng hạng nặng. Ngoài ra, tàu đổ bộ đệm khí cũng được vũ trang bằng một số loại súng máy và súng phóng lựu đạn để hỗ trợ đổ bộ.
Còn AH-1Z Viper là dòng máy bay trực thăng tác chiến đa nhiệm được trang bị các loại tên lửa đối không và tấn công mặt đất. Vì thế, dòng máy bay này có thể tác chiến hỗ trợ tấn công mở đường để lực lượng binh sĩ, tàu đổ bộ tiếp cận các đảo, bãi đá trên biển. Vài tháng trước, Mỹ cũng đã công bố hình ảnh máy bay AH-1Z Viper tập trận bắn đạn thật khi phóng tên lửa ở Biển Đông.

Máy bay AH-1Z Viper phóng tên lửa khi tập trận ở Biển Đông vào tháng 3

Ảnh: PACOM

Ngoài ra, với sự kết hợp của chiến đấu cơ F-35 cùng nhiều khí tài tối tân khác, những hình ảnh trên cho thấy Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động tập trận đổ bộ kết hợp toàn diện cả bằng đường không và đường biển với uy lực mạnh mẽ trên Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.