Ukraine trong cơn biến loạn

23/02/2014 09:00 GMT+7

Bất chấp thỏa hiệp mới đạt được, Ukraine chưa thể thoát khỏi một cuộc đối đầu kiểu chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây.

Bất chấp thỏa hiệp mới đạt được, Ukraine chưa thể thoát khỏi một cuộc đối đầu kiểu chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây.

Ukraine trong cơn biến loạn
Người biểu tình canh giữ một con đường dẫn tới Dinh tổng thống ở Kiev ngày 22.2 - Ảnh: Reuters

Cái tên Ukraine nghĩa đen là “ở bên rìa” hoặc “ranh giới”. Trong lịch sử, đây là một đất nước thường bị chia cắt, lúc là một phần của nước này, lúc của nước khác. Vào thế kỷ 17 và 18, Ukraine bị chia tách giữa Nga, Ba Lan và đế chế Ottoman. Thế kỷ 19, Ukraine bị phân đôi giữa Nga và Áo - Hung. Trong thế kỷ 20, ngoại trừ một thời gian ngắn độc lập sau Thế chiến thứ nhất, Ukraine đã trở thành một phần của Liên Xô.

Bên rìa lịch sử

Ngày nay, Ukraine tiếp tục là ranh giới giữa Nga và châu u như một định mệnh gắn liền cùng vị trí địa lý. Tuy đề cao giá trị độc lập, người Ukraine vẫn luẩn quẩn với cuộc tranh cãi nên ngả về thế lực ngoại quốc nào. Người dân ở phía tây muốn trở thành một phần của Liên minh châu u (EU) còn người phía đông muốn xích lại gần hơn với nước Nga.

Thực tế, đất nước này đã phân cực từ khi giành độc lập năm 1991. Các đảng dân tộc chủ nghĩa trông cậy vào sự ủng hộ ở phía tây trong khi các đảng xã hội có nền tảng hậu thuẫn ở phía đông. Kể từ đầu thập niên 2000, đảng Các khu vực cầm quyền là đảng chính trị hàng đầu, đại diện cho quyền lợi của người Ukraine ở phía đông. Nhiều cử tri ở phía đông xem cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập là âm mưu do phương Tây kích động nhằm can thiệp chuyện nội bộ của Ukraine. Ngược lại, người Ukraine ở phía tây đề cao quan hệ gần gũi với EU và nhìn người Nga với ánh mắt nghi kỵ.

 

Tổng thống Ukraine chạy khỏi Kiev

Theo Reuters, người biểu tình đã tiến vào dinh tổng thống một cách dễ dàng vào hôm qua sau khi Tổng thống Yanukovich rời Kiev để đến thành phố đông bắc Kharkov. Quốc hội Ukraine sau đó đã bỏ phiếu cách chức ông Yanukovich, ra lệnh phóng thích cựu thủ tướng bị cầm tù Yulia Timoshenko và ấn định bầu cử ngày 25.5. Phát biểu trên truyền hình từ Kharkov, ông Yanukovich nói không có ý định từ chức hoặc rời Ukraine, tuyên bố mọi động thái của quốc hội là “phi pháp” và là “một cuộc đảo chính”. Trước đó, Bộ Nội vụ Ukraine cam kết sẽ “đứng về phía nhân dân” còn quân đội thông báo sẽ không can dự vào cuộc khủng hoảng. Cùng ngày, lãnh đạo các khu vực ở phía đông gồm Kharkov, Donetsk, Dnipropetrovsk, Lugansk và Crimea ra nghị quyết tuyên bố chính phủ trung ương đã tê liệt và họ sẽ áp dụng chế độ tự quản lý. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tố cáo phe đối lập không hoàn thành các cam kết trong thỏa thuận ngày 21.2, cảnh báo “các phần tử cực đoan” là mối đe dọa trực tiếp với chủ quyền Ukraine.

S.D

Hai miền của Ukraine cũng xa cách về kinh tế. Nhờ giao thương xuyên biên giới với nước Nga, khu vực phía đông có nền kinh tế trù phú. Theo thống kê năm 2011, tỷ lệ GDP bình quân đầu người ở thành phố phía đông Dnipropetrovsk, trung tâm công nghiệp quan trọng nhất Ukraine, là 4.748 USD. Ở khu vực Liviv, một trong những trung tâm công nghiệp phía tây, GDP bình quân đầu người chỉ 2.312 USD.

Sau cuộc Cách mạng cam năm 2004, khi các nhóm bài Nga do Mỹ hậu thuẫn thành lập một chính phủ thân phương Tây, Moscow đã hướng nguồn lực tình báo và chính trị vào Ukraine trong nỗ lực tái lập sự ảnh hưởng tại quốc gia sân sau. Nga đã nhanh chóng phản công vì lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra ở Moscow nếu thái độ thân phương Tây lan về phía đông. Kết quả là chính phủ của ông Viktor Yushchenko đã rớt đài năm 2010.

Diễn biến hậu trường

Không giống EU, vốn nặng tính trình diễn với chuyến thăm Kiev khẩn cấp của các ngoại trưởng Đức, Pháp và Ba Lan sau khi bạo lực bùng phát, Điện Kremlin có vẻ như muốn áp đặt ảnh hưởng từ trong hậu trường, theo tờ Süddeutsche Zeitung ở Đức. Truyền thông Ukraine cho hay ông Vladislav Surkov, một đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, đã xuất hiện tại Ukraine trong vài tuần qua. Surkov là cố vấn của ông Putin về vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia, các vùng lãnh thổ hiện thuộc quyền kiểm soát của Nga sau cuộc xung đột ở Georgia năm 2008. Các nhà bình luận ở Ukraine và Nga nhận định sự hiện diện của Surkov ở Kiev là dấu hiệu cho thấy Moscow đang vẽ ra một kịch bản tương tự Nam Ossetia và Abkhazia cho một số khu vực ở Ukraine nếu đất nước 46 triệu dân thoát khỏi quỹ đạo của Nga và hướng về châu u.

Một trong những kịch bản được các tổ chức thân Nga ở Ukraine nhắc đến trong thời gian gần đây là mô hình chế độ liên bang. Đây là lựa chọn cho phép Nga duy trì ảnh hưởng tại những khu vực phía đông một khi Kiev ngả về phương Tây. Chế độ liên bang sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các khu vực phía đông bằng cách cho họ quyền kiểm soát ngân sách và tăng cường sự tự chủ. Những người ở phía tây thì kiên quyết chống lại mô hình liên bang vì cho rằng điều này sẽ đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh của họ. Những người khác thì lo sợ Ukraine sẽ bị tan rã, khiến phía tây trở nên yếu ớt và bất lực trước khu vực phía đông được Nga hậu thuẫn.

Thỏa thuận mong manh

Trong khi đó, với một phái đoàn hùng hậu và sự ủng hộ ra mặt dành cho phe đối lập, phương Tây cần có một kết quả và đó là thỏa hiệp đạt được giữa Tổng thống Viktor Yanukovich với phe đối lập ngày 21.2. Tuy nhiên, có một vấn đề là phe đối lập ở Ukraine hiện có nhiều rạn nứt. Những người đứng ra thương thuyết với chính phủ cũng không phải là đại diện cho toàn thể phe chống đối và một số người biểu tình tuyên bố họ muốn ông Yanukovich ra đi ngay lập tức. Đại diện tiêu biểu cho bộ phận này là phong trào cánh hữu có tên Khu vực hữu (Right Sector), tổ chức từng tuyên bố không tuân thủ thỏa thuận “ngừng bắn” giữa ông Yanukovich với phe đối lập ngày 19.2 và được cho là đứng sau vụ leo thang bạo lực ngày 20.2. Bị gạt ra khỏi thỏa thuận, Khu vực hữu và những nhóm tương tự nhiều khả năng sẽ không buông xuôi mà tiếp tục kích động bạo lực. Việc Nga từ chối ký thỏa thuận mà họ tham gia dàn xếp cùng Đức, Pháp và Ba Lan cũng là một yếu tố khiến tình hình trở nên bất định, làm gia tăng lo ngại Moscow có thể tìm cách hủy bỏ thỏa thuận thông qua áp lực kinh tế. Mặt khác, khoảng trống quyền lực hiện nay ở Kiev làm nảy sinh lo sợ về nạn cướp bóc và bạo động.

Cộng đồng người Việt cảnh giác

Anh Hoàng Kim Quân, đang học thạc sĩ ở Ukraine, cho phóng viên Thanh Niên hay qua điện thoại rằng trong những ngày qua, sinh viên Việt ở Kiev không đi học vì nhà trường cho nghỉ, cộng đồng người Việt cũng hạn chế ra ngoài vào ban đêm. Người Việt được Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev khuyến cáo nên cảnh giác, hạn chế hoạt động vui chơi, giải trí. Tại Kharkov, theo anh Nguyễn Minh Nam (22 tuổi), đa số các du học sinh đều đi học bình thường, những người buôn bán ở chợ vẫn tiếp tục công việc mà không hề có sự gián đoạn. Theo Nam thì tại Kharkov đa số là người Nga, lại thân với chính quyền Tổng thống Yanukovych nên chỉ có vài cuộc biểu tình nhỏ ủng hộ quyết định không hội nhập với EU. “Ngày 19.2 vừa qua, tại đây cũng xảy ra một cuộc biểu tình ở trung tâm Kharkov để tưởng niệm những người ngã xuống tại Kiev nhưng nhìn chung mọi việc đều kết thúc êm đẹp. Mọi người Việt Nam ở đây đều an toàn và sinh hoạt bình thường”, Nam cho biết.

Thành Trung - Minh Trung

Sơn Duân

>> Đột phá cho cuộc khủng hoảng Ukraine
>> Cận cảnh người biểu tình Ukraine xây lô cốt ngăn cảnh sát
>> Cảnh tượng kinh hoàng: Xác người nằm la liệt trên đường phố Ukraine
>> Cận cảnh ‘chiến sự’ tang tóc tại Ukraine
>> Bạo lực đẫm máu ở Ukraine: Có cả lính bắn tỉa?
>> Ukraine chìm sâu trong lửa đạn
>> Bạo động chết người ở Ukraine
>> Biểu tình tiếp diễn tại Ukraine bất chấp cảnh sát đàn áp 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.