Úc khiếu nại Trung Quốc lên WTO về áp thuế bán phá giá với lúa mạch

16/12/2020 16:00 GMT+7

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham tuyên bố Canberra sẽ chính thức gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu điều tra mức thuế chống bán phá giá của Trung Quốc đối với lúa mạch Úc.

Trong buổi họp báo ngày 16.12, Bộ trưởng Thương mại Birmingham thừa nhận đơn khiếu nại có thể mất nhiều năm mới được giải quyết, nhưng Úc không còn lựa chọn nào khác vì Bắc Kinh hồi tháng 5 áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tổng cộng 80,5% đối với lúa mạch Úc trong vòng 5 năm, theo Reuters.
Bộ trưởng Birmingham nói mức thuế 80,5% đối với các lô hàng lúa mạch từ Úc là "thiếu cơ sở" và "không dựa trên bằng chứng và thực tế". Ông Birmingham đồng thời nhấn mạnh Úc phải bảo vệ nông dân và nhà sản xuất lúa mạch Úc.

Chính trị gia kêu gọi uống rượu vang Úc để phản đối Trung Quốc

Trong khi đó, Bắc Kinh lập luận rằng lúa mạch Úc được chính phủ trợ cấp và bán dưới giá thành nên phải chịu thuế chống bán phá giá.
Số liệu của chính phủ Úc cho thấy khoảng 70% lượng lúa mạch xuất khẩu của Úc là sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu lúa mạch Úc sang Trung Quốc trị giá khoảng 1 tỉ USD một năm trước đợt hạn hán gần đây và được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất bia.
Reuters dẫn lời các nguồn tin chính phủ Úc cảnh báo việc khiếu nại Trung Quốc lên WTO sẽ không mang lại kết quả nhanh chóng. Giai đoạn đầu sẽ là tiến hành các cuộc đàm phán chính thức giữa Úc và Trung Quốc, dự kiến phải đến đầu năm 2021 mới có thể bắt đầu.
Nguồn tin cho biết thêm chính phủ Úc không kỳ vọng Trung Quốc ngừng áp thuế ngay lập tức. "Chúng tôi đã lên tiếng phản đối cách đây vài tháng và Trung Quốc đã bác bỏ điều đó. Do đó, khó có khả năng Trung Quốc thừa nhận họ đã sai", nguồn tin nói thêm.

Thu hoạch lúa mạch tại khu vực Inverleigh gần Melbourne, Úc, ngày 14.12.2020

AFP

Nếu các cuộc đàm phán giữa hai bên không mang lại kết quả thì một hội đồng chuyên gia độc lập sẽ được thành lập để xem xét vấn đề. Úc dự kiến vụ việc này có thể kéo dài vài năm, ngay cả khi WTO ra phán quyết có lợi cho Canberra vì Trung Quốc vẫn có quyền kháng cáo, theo Reuters.
Mối quan hệ Úc - Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Canberra hồi tháng 4 yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus gây Covid-19, chỉ trích việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông cùng các vấn đề khác.
Ít nhất 13 lĩnh vực của nền kinh tế Úc đã phải chịu thuế hoặc một số hình thức hạn chế hoặc cấm từ phía Trung Quốc bao gồm: thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, giáo dục, rượu, lúa mì và len.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.