Úc 'giằng xé' trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

01/09/2016 13:09 GMT+7

Một quan chức cấp cao quân đội Mỹ ngày 1.9 kêu gọi Úc có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Úc phải lựa chọn "chơi thân" với Mỹ hay Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông ABC (Úc) ngày 1.9, trợ lý tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đại tá Tom Hanson cho rằng Úc cần phải đưa ra lựa chọn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, theo Reuters.
Ông Hanson nói: "Tôi nghĩ rằng người Úc cần phải lựa chọn. Thật khó để vừa duy trì cân bằng quan hệ đồng minh với Mỹ lại vừa thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Sẽ phải có quyết định để chọn lựa xem mối quan hệ nào quan trọng cho lợi ích quốc gia của Úc hơn". Ông Hanson nhấn mạnh đó là quan điểm của cá nhân ông chứ không hẳn là của chính phủ Mỹ.
Theo Reuters, trợ lý tham mưu trưởng quân đội Mỹ còn kêu gọi Úc có lập trường cứng rắn hơn với các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông. Úc lâu nay vẫn ủng hộ các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải mà quân đội Mỹ tiến hành trên Biển Đông. Các chiến dịch này được cho là thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và bị Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích.
Tuy nhiên Úc chưa bao giờ đơn phương tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Úc cũng không đưa ra bình luận nào đến dự định trong tương lai của Úc liên quan các chiến dịch này.
Reuters cho biết mặc dù Úc là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng hiện nay Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Theo phân tích của công ty tư vấn KPMG và Đại học Sydney, hiện Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Úc. Trong năm 2015, Trung Quốc đã chi 11,1 tỉ USD để mua lại nhiều tài sản của Úc mà phần lớn là bất động sản.
Thư viện quốc hội Úc mới đây phát hành một cuốn cẩm nang do các quan chức chính phủ Úc soạn thảo, trong đó cảnh báo các nghị sĩ Úc phải cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các quy định và đạo luật liên quan đến việc cấp phép các công ty hay tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào Úc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.