Úc cảnh cáo công ty Pháp sau vụ rò rỉ bí mật tàu ngầm

26/08/2016 18:11 GMT+7

Bộ Quốc phòng Úc cảnh cáo nhà thầu DCNS sau vụ rò rỉ bí mật về tàu ngầm, yêu cầu tăng cường an ninh nhằm tránh nguy cơ Canberra trở thành nạn nhân tiếp theo của vụ rò rỉ thông tin, theo Reuters ngày 26.8.

Úc đồng ý giao cho DCNS thiết kế và đóng 12 tàu ngầm loại Shortfin Barracuda với tổng trị giá 38,13 tỉ USD. Tuy nhiên, vụ rò rỉ hơn 22.000 trang tài liệu liên quan đến tàu ngầm lớp Scorpene mà công ty này đang đóng cho Ấn Độ khiến Canberra lo ngại.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Úc, nhận lệnh của Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Christopher Pyne, đã cảnh báo DCNS rằng chính phủ Úc quan ngại sâu sắc về vụ rò rỉ, một phát ngôn viên của Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng nói với Reuters.
DCNS được trao hợp đồng đóng tàu,  nhưng hệ thống chiến đấu bí mật của 12 chiếc Shortfin Barracuda lại do Mỹ cung cấp.
DCNS cho biết vụ rò rỉ chỉ liên quan đến mô hình của loại tàu ngầm Scorpene, không phải loại tàu mà công ty này đang thiết kế cho Canberra, cáo buộc đây là cuộc "chiến tranh kinh tế" do các đối thủ cạnh tranh thực hiện.
Hợp đồng tàu ngầm được Úc giao cho công ty của Pháp sau khi loại bỏ hai đối thủ nặng ký là ThyssenKrupp AG của Đức và liên danh giữa tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn.
Công ty TKMS Úc, chi nhánh của tập đoàn đóng tàu ThyssenKrupp AG, từ chối phản hồi về cáo buộc của DCNS. Mitsubishi Heavy Industry cũng không đưa bình luận nào.
Một nguồn tin cấp cao từng tham gia vào đấu thầu tàu ngầm Úc gọi cáo buộc này là “bất thường" nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận đối với sự thiếu sót về mặt an ninh của DCNS.
"Rõ ràng đây là vụ rò rỉ lớn. Người Pháp cố tìm cách đổ lỗi cho một trong hai, người Nhật hay người Đức khi gán cho nó cái cáo buộc ‘chiến tranh kinh tế’, đó là sự khiêu khích", nguồn tin nói với Reuters.
Hôm 25.8, giới chức Ấn Độ và Pháp cho biết đã tiến hành điều tra vụ rò rỉ và tuyên bố ngay trong ngày rằng tài liệu liên quan đến tàu ngầm lớp Scorpene mà Ấn Độ đóng theo giấy phép của Pháp đã bị đánh cắp, không phải bị rò rỉ như tờ báo của Úc The Australian đăng.
Tàu ngầm Scorpene cũng được Pháp đóng cho Malaysia và Chile. Trước đó, Pháp đã giao chiếc tàu ngầm lớp Scorpene cho Brazil và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2018.
Tuy nhiên, cả giới chức hai nước không nói rõ tài liệu bị đánh cắp như thế nào, thay vào đó cho biết một cá nhân đã “thiếu trung thực” khiến tài liệu bị rò rỉ ra ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.