Tường trình của PV từ vùng thảm họa sóng thần ở Indonesia: Hoang tàn Palu

04/10/2018 07:56 GMT+7

Mùi tử khí bốc lên nồng nặc ở làng Balaroa, thêm 8 tử thi nữa được đưa ra khỏi đống đổ nát, nhưng con số thương vong vẫn chưa dừng lại.

Ở các trung tâm thương mại, cảnh sát vũ trang gác cẩn mật, khắp Palu tan tác với cảnh khổ và hoang tàn hơn cả thời chiến.
10 giờ 45 sáng 3.10, khi nhóm phóng viên Thanh Niên đặt chân đến sân bay Palu (Sulawesi, Indonesia) không lâu, một cơn dư chấn với những rung lắc liên hồi khiến cả sân bay náo loạn, mọi người trong sảnh chính chạy bổ nhào ra ngoài. 4 giờ 50 chiều ở làng Balaroa, thêm cơn động đất 4,5 độ Richter với những rung lắc nhẹ dù không nguy hiểm nhưng đủ khiến dân làng bàng hoàng. Dù đã qua hơn 5 ngày kể từ khi sóng thần xảy đến, tình hình ở Palu vẫn chưa yên.
Nhà thờ Hồi giáo Masjid Apung Palu vẫn ngập trong nước biển
Khan hiếm lương thực
Hầu hết các hàng quán ở Palu đều đóng cửa, chỉ một số ít hiếm hoi ở các khu vực đông người như bệnh viện, trạm xăng còn phục vụ với số lượng hạn chế, khiến tình trạng thiếu lương thực, nước uống trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Nguồn viện trợ chưa đến kịp lúc do đường bay bị gián đoạn, khiến tình trạng bạo loạn, các vụ cướp lương thực diễn ra khắp nơi. Hiện cảnh sát được trang bị súng ống đủ loại, có cả súng phóng lựu, đứng chặn khắp các ngả đường, đặc biệt ở khu trung tâm mua sắm, các cửa tiệm lớn, nhằm hạn chế và ngăn chặn các vụ cướp bóc tự phát của người dân khi lâm vào thế cùng cực.
Khu trung tâm mua sắm Ramayana ở Palu đổ nát
Asad - nạn nhân của sóng thần hiện cùng gia đình 3 thế hệ với hơn 50 người tá túc tại vỉa hè nhà một người quen, mọi người không dám vào hẳn trong nhà vì sợ những cơn dư chấn và những cơn động đất nhỏ có thể khiến căn nhà vốn đang yếu sau trận động đất 7,5 độ Richter ngày 28.9 đổ sập bất kỳ lúc nào.
Đại gia đình của Asad mất đến 6 người. Asad cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ đối mặt với thảm họa nhanh và tàn khốc đến vậy, ba tôi và hai cháu, hôm ấy qua làng Balaroa, chỉ ít phút sau khi biết có động đất, từ đó đến nay không hay tin gì nữa, gia đình tôi tin rằng những người thân đã về với đấng Allah rồi. Chúng tôi hiện không dám tách ra sống riêng, ở chung để mọi người dễ bề chăm sóc nhau. Cái cần nhất bây giờ là nước, sữa cho mấy cháu nhỏ, điện và gas để đun nấu cái ăn mỗi ngày”.
Trước lúc đến được Palu, hai bạn đồng nghiệp bản địa công tác ở Getty Images đã có mặt ở Palu ngay sau khi thảm họa diễn ra, liên lạc với chúng tôi cho biết cần giúp đỡ, mua thêm lương khô và nước để tiếp tục trụ lại Palu những ngày tới. Thời tiết Palu những ngày này cũng thật khắc nghiệt, cái nắng gay gắt ban trưa khiến việc khan hiếm nước đang là một thảm họa với cả nạn nhân sóng thần và những tình nguyện viên cùng cánh báo chí đang tác nghiệp tại Palu.
Cả ngôi làng biến mất
Là một thành phố du lịch biển, Palu sở hữu con đường ven biển thơ mộng với nhà hàng, quán xá, khu mua sắm sầm uất. Nhưng trên con đường ven biển ở Talise hôm nay chỉ còn là hoang tàn, tất cả đều bị phá hủy, đặc biệt là những ngôi nhà hướng biển đều bị sóng thần cuốn sạch như chưa từng tồn tại.
Khách sạn hạng sang Mercure cũng bị sóng thần xô sập, lực lượng cứu hộ vẫn chưa đủ điều kiện và khả năng tiếp cận, bởi kết cấu bị hư hỏng nặng, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Nhóm cứu hộ chuyên nghiệp đến từ Pháp đã có mặt ở Mercure từ chiều 3.10, sử dụng thêm 3 chú chó nghiệp vụ tìm thi thể hoặc nạn nhân sống sót trong đống đổ nát trước khi đội cứu hộ tiếp cận. Rất nhiều khách trọ và khách tham quan hiện diện ở Mercure trong ngày xảy ra thảm họa và bặt tin từ đó đến nay.
Cây cầu dây văng bị sóng phá hủy trên đường bờ biển Talise
Đường phố rạn nứt, đứt gãy thành từng đoạn dài, bụi bốc mù mịt. Những thánh đường Hồi giáo với các tòa tháp cao đặc trưng đều bị hư hại; có cái đổ sập, tan nát trước sức mạnh của động đất và sóng thần.
Nếu đường biển để lại dấu tích là những ngôi nhà trơ khung, hoặc biến mất, thì ở hướng núi nơi làng Balaroa, cảnh tượng khủng khiếp hơn nhiều lần. Toàn ngôi làng vẫn hiện hữu tại chỗ, nhưng tất cả bị vùi lấp trong bùn lầy, không còn thứ gì nguyên hình nguyên dạng. Đội cứu hộ đang vất vả tìm từng thi thể trong đống đổ nát để đưa đi an táng tập thể.
Tìm nạn nhân trong đổ nát
Asina Cornelia, 22 tuổi, đang nằm tại Bệnh viện Palu, khắp người bầm dập, trầy xước vì bị sóng cuốn và các vật lạ va đập. Asina kể: “Cả hai chị em đang ở chơi sau nhà, thình lình sóng ập đến, thổi vào hướng núi, hai chị em cứ níu nhau rồi bám theo các vật dụng trôi nổi, mắc vào cây cao dính trên đó. Khi nước rút đi được cứu hộ đưa đến đây, qua ngày thứ 5 rồi nhưng chỉ tay là cử động được, cả người bầm đen”. Người chị của Asina dù thương tích nhẹ hơn, nhưng tinh thần bị hoảng loạn, cứ mỗi khi nhắc đến sóng thần là lại lấy chăn trùm cả người, không nói ra tiếng từ hôm bị nạn đến giờ. Nhìn quanh trong khu nhà tạm dã chiến ở ngay sân bệnh viện, các nạn nhân sóng thần đều mang thương tích đầy mình. Nhưng trò chuyện, ai cũng tự an ủi mình còn gặp may vì được sống.
Thêm ba trong số tám thi thể đưa ra từ làng Balaroa ngày thứ 5 sau thảm họa
Công tác cứu hộ, cứu nạn những nạn nhân bị sóng thần nơi đường bờ biển gần như đã hoàn tất ở Palu. Các tử thi được đưa vào mộ chôn tập thể. Công việc còn lại là khắc phục hậu quả và dọn dẹp hiện trường. Nhưng ở ngôi làng nơi hướng núi Balaroa, công việc vẫn ngổn ngang, dù biết cơ hội sống sót của dân làng gần như bằng không khi bị đợt lũ bùn nuốt chửng cả làng. Những người mất tích được xác định đều đang nằm dưới đống đổ nát.
Từ ngay rìa làng, một hàng rào an ninh được dựng lên, chỉ có đội cứu hộ và báo chí được vào trong làng. Bước trên đống đổ nát ở Balaroa, mùi tử khí vẫn nồng nặc. Đội cứu hộ vất vả từng giờ cẩn trọng đưa lên từng thi thể dập nát không thể nhận dạng. Mỗi khi tiếp cận hay phát hiện được một thi thể, cờ hiệu được cắm lên, chờ phương tiện cơ giới đến lấy xác. Số ít ỏi thân nhân còn sống sót đứng ngoài cổng làng, khóc cạn nước mắt những ngày qua mỗi khi thêm một thi thể mới lấy ra, nhưng không thể xác định được danh tính.
Trong lúc chờ đợi phương tiện cơ giới đưa thi thể cuối cùng trong ngày ra khỏi đống đổ nát, Aditya, tình nguyện viên thu gom tử thi ở làng Balaroa, tâm sự: “Việc thu gom tử thi mấy hôm đầu ở ngoài đường biển đơn giản hơn vì dễ tiếp cận và xử lý, còn ở Balaroa hầu hết các tử thi bị vùi dưới cả mét bùn đất, nhà cửa, nên rất khó tiếp cận và đưa ra ngoài. Cả đội dựa vào trí nhớ của người làng còn sống để xác định vị trí các ngôi nhà trong làng, từ đó bắt đầu đào bới, tìm kiếm dần. Không thể hy vọng còn nạn nhân sống sót, nhưng còn rất nhiều người mất tích ở làng này, do vậy chúng tôi sẽ vẫn đào xới chưa biết khi nào ngưng lại”.
Hiện tín hiệu tích cực nhất là đường bay đã được mở, đồng nghĩa với những chuyến hàng cứu trợ đang đến với người Palu. Giấc đêm của chúng tôi và những người làm báo từ khắp thế giới hội tụ dưới một gốc cây trong sân của Hãng điện thoại Telkom, nơi duy nhất có thể sử dụng điện và internet miễn phí để chuyển tin ảnh về quê nhà, với hy vọng rằng thảm họa sẽ sớm được khắc phục...
(Từ Palu, Sulawesi, Indonesia)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.