Tướng Mỹ chúc mừng phi công Việt Nam Đặng Đức Toại tại lễ tốt nghiệp

06/06/2019 18:02 GMT+7

Ba tướng Mỹ phát biểu chúc mừng thượng úy Đặng Đức Toại tại lễ tốt nghiệp chương trình lãnh đạo hàng không, và hy vọng việc hợp tác này tiếp tục hiệu quả hơn để đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới .

Ngày 31.5 vừa qua, căn cứ không quân Columbus (bang Mississippi, Mỹ) đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho các học viên phi công thuộc Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) và chương trình đào tạo phi công chuyên ngành (SUPT) của Không quân Mỹ khóa 19-10/16. Thượng úy Đặng Đức Toại là phi công Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp chương trình ALP.

Tăng cường quan hệ giữa không quân hai nước

Nữ đại tá Samantha Weeks, tư lệnh Không đoàn huấn luyện bay số 14, gắn biểu tượng cánh bay cho thượng úy Đặng Đức Toại tại lễ tốt nghiệp ngày 30.5.2019, tại căn cứ Columbus Không quân Mỹ

Theo trang tin của căn cứ Columbus, tại lễ tốt nghiệp, diễn giả khách mời là chuẩn tướng Edward Vaughan, trợ lý đặc biệt Bộ phận Huấn luyện thuộc phó tổng tham mưu trưởng hành quân tại Lầu Năm Góc, đã phát biểu về tầm quan trọng của việc thượng úy Đặng Đức Toại tham gia và hoàn tất chương trình ALP.

“Tôi muốn bạn bay, muốn bạn chiến đấu và chiến thắng. Thật vinh dự và là đặc quyền cho tôi khi được nói chuyện với bạn và chào đón bạn với tư cách là một trong những đối tác của chúng tôi”, tướng Vaughn nói.

Thượng úy Đặng Đức Toại làm nghi thức bẻ biểu tượng cánh bay tại lễ tốt nghiệp. Theo nghi lễ truyền thống về sự may mắn, cánh bay được bẻ làm đôi, phi công giữ một nửa, nửa còn lại sẽ trao cho người mình yêu thương giữ, và hai phần này sẽ được ráp lại với nhau khi phi công qua đời Không quân Mỹ

Còn trung tướng Steve Kwast, tư lệnh Bộ tư lệnh huấn luyện đào tạo hàng không, nhận xét rằng việc tốt nghiệp của thượng úy Toại đánh dấu một bước phát triển đáng kể cho không quân hai nước Việt Nam - Mỹ.

“Việc tham gia của Việt Nam vào chương trình Lãnh đạo hàng không là cột mốc lớn lao cho quan hệ hợp tác giữa Không quân Mỹ và quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Loại hình đào tạo và hợp tác này cho phép lực lượng không quân Việt Nam tăng cường khả năng trong các hoạt động hàng không và hàng hải. Sự hợp tác này giúp đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”, trung tướng Kwast phát biểu.

Chuẩn tướng Michael Winkler, Giám đốc Chiến lược, Kế hoạch và Chương trình của Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương, nhận xét: “Việc thượng úy Đặng Đức Toại tốt nghiệp ALP cùng các kỹ năng và kiến thức mà anh ấy có được thông qua khóa đào tạo thể hiện sự hợp tác liên tục của chúng tôi với các nước đối tác và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chúng tôi đối với khu vực. Chúng tôi mong muốn việc hợp tác quân sự hai nước lớn hơn nữa để Mỹ và Việt Nam hợp tác hiệu quả hơn nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Trung úy phi công Doãn Văn Cảnh (phải) chúc mừng thượng úy Đặng Đức Toại tại lễ tốt nghiệp hôm 30.5.2019. Trung úy Cảnh cũng đang theo học chương trình lãnh đạo hàng không tại căn cứ Columbus Không quân Mỹ

Về phần mình, thượng úy Đặng Đức Toại phát biểu đáp từ: “Đây là cơ hội tốt cho tôi khi đến đây và nghiên cứu được những điều mới”. Thượng úy Toại cho biết thêm anh đang mong muốn trở về Việt Nam để giúp các đồng đội của mình với những bài học đã tiếp thu sau 12 tháng huấn luyện tại căn cứ không quân Columbus. Khi trở về, thượng úy Toại sẽ tiếp tục lái máy bay vận tải CASA C-295, một loại máy bay vận tải chiến thuật loại 2 động cơ cánh quạt phản lực.

Thượng úy Đặng Đức Toại tham gia ALP như thế nào ?

Chương trình lãnh đạo hàng không (ALP) là chương trình do Không quân Mỹ tài trợ, đào tạo kỹ năng bay cơ bản cho phi công các nước đối tác và các quốc gia đang phát triển.

Trước khi đến căn cứ Columbus học lái máy bay, học viên chương trình ALP phải học khóa tiếng Anh đặc biệt tại Trung tâm Anh ngữ thuộc Học viện ngôn ngữ quốc phòng ở căn cứ liên hợp Lackland (San Antonio, bang Texas).

Thượng úy Đặng Đức Toại kiểm tra máy bay T-6 Texan II trước khi tiến hành bài bay kiểm tra cuối khóa hôm 29.5.2019. Thượng úy Toại đã có hơn 167 giờ bay với máy bay T-6 trong chương trình Không quân Mỹ

Thượng úy Đặng Đức Toại học tại trung tâm này vào năm 2016. Sau khi tốt nghiệp khóa tiếng Anh, thượng úy Toại được đưa đến căn cứ không quân Columbus và bắt đầu theo học chương trình lãnh đạo hàng không vào tháng 5.2018. Anh đã có hơn 167 giờ bay trên máy bay huấn luyện T-6 Texan II.

Thượng úy Đặng Đức Toại trao đổi với phi công huấn luyện, đại úy Mitchell Dobson thuộc phi đội huấn luyện bay số 41, khi họ đang chuẩn bị cho bài bay kiểm tra cuối khóa của thượng úy Toại ngày 29.5.2019 Không quân Mỹ

Không như các học viên của chương trình SUPT học bay với máy bay phản lực huấn luyện T-1A Jayhawk hoặc T-38 Talon tiếp theo sau thời gian học với máy bay T-6, phi công của chương trình ALP học phần lớn thời gian với máy bay T-6.

Theo thiếu tá Dave Cote, phi công huấn luyện thuộc phi đội huấn luyện bay số 41, chương trình ALP chủ yếu hướng đến việc bay và huấn luyện trên mặt đất, nhưng một khía cạnh chính khác của chương trình là thúc đẩy việc trao đổi văn hóa và thông tin nhằm phát triển sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Không quân Mỹ và các nước tham gia chương trình.

Thượng úy Đặng Đức Toại điều khiển máy bay T-6 Texan II ra đường băng, chuẩn bị bài bay kiểm tra cuối khóa, ngày 29.5.2019 Không quân Mỹ

“Việc xây dựng quan hệ đối tác và các mối quan hệ sẽ mất nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập kỷ. Những mối quan hệ mà các phi công học viên Mỹ và quốc tế xây dựng hiện nay sẽ còn duy trì lâu dài sau những ngày họ học ở Columbus”, thiếu tá Cote nói.

Ông cũng hy vọng rằng sau 20 năm nữa, các học viên ở Columbus sẽ thăng tiến, trở thành các sĩ quan cấp tướng, cấp tá trong lực lượng không quân.

Thiếu tá Dan Quinlan, tùy viên Không quân Mỹ tại Hà Nội, chúc mừng Thượng úy Đặng Đức Toại tại lễ tốt nghiệp ngày 30.5.2019 Không quân Mỹ
Theo bản tin của căn cứ không quân Columbus, việc thượng úy Đặng Đức Toại tham gia vào chương trình ALP cũng giúp củng cố mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Việt Nam và thể hiện cam kết của hai nước nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng và hợp tác song phương, vốn là mục tiêu của Bản ghi nhớ năm 2011 về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và Tuyên bố tầm nhìn chung năm 2015 về quan hệ quốc phòng giữa hai nước; và thể hiện cam kết giữa Việt Nam và Mỹ trong việc đạt được các mục tiêu chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.