Tử thần rình rập không phận Triều Tiên

08/12/2017 14:00 GMT+7

Lệnh cấm bay có thể được áp dụng trên không phận CHDCND Triều Tiên và khu vực lân cận trước mối đe dọa từ tên lửa của nước này.

Tờ South China Morning Post ngày 7.12 đưa tin Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thuộc LHQ đang cân nhắc áp dụng lệnh cấm bay trên không phận Triều Tiên, sau khi một số hành khách tận mắt nhìn thấy tên lửa của nước này rơi xuống biển.
Khu vực này nằm trên nhiều đường bay tấp nập nối liền châu Á với Bắc Mỹ nên lệnh cấm có thể ảnh hưởng hàng trăm chuyến bay quốc tế mỗi ngày, trong đó có cả các chuyến bay đến và đi từ Triều Tiên. Ông Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho hay hiệp hội đang cùng ICAO tìm giải pháp bảo vệ an toàn bay trong khu vực này.


Triều Tiên: Chiến tranh là “không thể tránh khỏi”
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 6.12 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cùng việc Washington đe dọa tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng đã khiến chiến tranh trên bán đảo là điều không thể tránh khỏi. “Câu hỏi là khi nào chiến tranh bùng nổ? Chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng cũng sẽ không lẩn tránh”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố. Trong khi đó, Mỹ hôm qua điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B đến bán đảo Triều Tiên tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.


“ICAO đang cố gắng yêu cầu Triều Tiên tuân thủ các quy tắc an toàn. Tổ chức này cũng có thể tuyên bố một khu vực cấm bay”, ông cho hay. Giới chuyên môn cho rằng đây rất có thể là một vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận tại Hội nghị áp dụng an toàn hàng không do ICAO tổ chức tại thành phố Montreal (Canada) vào tuần tới.
Mối lo ngại dấy lên sau khi Hãng hàng không Cathay Pacific có trụ sở ở Hồng Kông cho biết nhiều người trên chuyến bay CX893 từ Mỹ đi Hồng Kông đã nhìn thấy tên lửa của Triều Tiên nổ tung và rơi xuống gần nơi máy bay đi qua hôm 29.11. Vào thời điểm này, máy bay của China Airlines từ Canada và máy bay của Eva Air từ Mỹ cũng đang đi ngang khu vực. Ngoài ra còn có chuyến bay của Hãng hàng không Nhật All Nippon từ nước này đi Đức.
Theo quy định của ICAO, các nước có trách nhiệm phát cảnh báo về bất cứ nguy cơ nào đối với máy bay dân sự trong không phận của họ. Tuy nhiên, theo một đại diện của IATA thì Triều Tiên chưa bao giờ đưa ra cảnh báo nào trước khi phóng tên lửa. Trong trường hợp không có cảnh báo, các hãng hàng không buộc phải tự đánh giá nguy cơ và xác định bay cách Triều Tiên bao xa là an toàn, vị đại diện này cho biết.
Thông thường, các hãng hàng không tự chọn đường bay dựa trên cảnh báo an toàn từ các cơ quan trong và ngoài nước. Cathay Pacific cho biết hãng sẽ không thay đổi đường bay dù chuyến bay mới đây đã đi qua gần vị trí tên lửa Triều Tiên rơi. Tuy nhiên, một số hãng khác đã điều chỉnh đường bay ngay sau những vụ phóng tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng. Hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa thông báo đã thay đổi đường bay nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết, trong khi Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France cho hay đã mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên.
Trước đó, máy bay Boeing 777 của Hãng Air France chở theo 323 người từ Tokyo đi Paris hôm 28.7 đã bay qua khu vực phía tây đảo Hokkaido chỉ vài phút trước khi tên lửa liên lục địa (ICBM) tiến tới. Vụ việc cũng khiến Hãng hàng không Singapore Airlines thay đổi đường bay hằng ngày giữa Seoul và Los Angeles. Tuy nhiên, hãng này chỉ mới thông báo về việc thay đổi này vào ngày 6.12 khi khẳng định các chuyến bay của họ không đi vào vùng lân cận của quỹ đạo tên lửa trong vụ phóng ngày 29.11 bởi tất cả các chuyến bay của hãng đã tránh đi vào không phận nằm trên vùng biển phía bắc giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản từ trước.

tin liên quan

49 nước phớt lờ lệnh trừng phạt Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang thắt chặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên, kêu gọi các nước khác chấm dứt quan hệ thương mại với nước này. Dù vậy, một số nước không thực hiện điều này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.