Tư pháp làm chính trị

02/06/2021 10:30 GMT+7

Phán quyết của một tòa án ở thành phố La Hay (Hà Lan) buộc Tập đoàn dầu khí Shell (Hà Lan - Anh) tới năm 2030 phải giảm gần một nửa sản lượng khai thác so với năm 2019.

Phán quyết của một tòa án ở thành phố La Hay (Hà Lan) buộc Tập đoàn dầu khí Shell (Hà Lan - Anh) phải cắt giảm khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên trái đất, tạo ra tiền lệ mới cả về chính trị, pháp lý và kinh tế.
Với phán quyết này, tòa án vận dụng những mục tiêu và quy định chung của LHQ về chống biến đổi khí hậu trên trái đất đã được đông đảo các nước, trong đó có Hà Lan và Anh, thống nhất để khép Shell nói riêng, xa hơn là nhiều tập đoàn năng lượng khác, vào trách nhiệm cụ thể đối với công cuộc chống biến đổi khí hậu. Đáng chú ý là những tập đoàn sản xuất ra năng lượng chỉ làm ra sản phẩm chứ không sử dụng nó, nên không trực tiếp sản xuất ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên trái đất.
Về kinh tế, phán quyết này của tòa án buộc Shell phải giảm khối lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về giảm khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, tòa buộc Shell tới năm 2030 phải giảm 45% so với khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà sản phẩm của Shell - khi được người tiêu dùng sử dụng - sản xuất ra năm 2019. Nói cách khác, tòa buộc Shell tới năm 2030 phải giảm gần một nửa sản lượng khai thác so với năm 2019.
Về chính trị, phán quyết này mang ý nghĩa chẳng khác gì cấp chính phủ trong công cuộc biến đổi khí hậu trái đất. Vì thế, phán quyết của tòa Hà Lan tạo ra tiền lệ có thể khó lường hết trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.