Những danh tướng thất sủng: Cuộc đời bi thảm của Bành Đức Hoài

08/11/2013 09:00 GMT+7

Nguyên soái Trung Quốc Bành Đức Hoài có thể không bao giờ tưởng tượng được rằng ông sẽ phải trả giá vì một bức tâm thư.

Nguyên soái Trung Quốc Bành Đức Hoài có thể không bao giờ tưởng tượng được rằng ông sẽ phải trả giá vì một bức tâm thư.

 
Bành Đức Hoài ký thỏa thuận đình chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1953 - Ảnh: kcm.kr

“Ông ấy là người chính trực và ngay thẳng. Ông dành mạng sống và tay chân cho Cách mạng Trung Quốc. Ông ấy trung thành và liêm khiết. Không gì có thể xóa nhòa hình ảnh sáng chói của Bành Đức Hoài khỏi lịch sử Trung Quốc”. Câu nói này của ông Dương Thượng Côn, Chủ tịch Trung Quốc từ năm 1988 đến 1993, có thể được xem là lời minh oan rõ ràng nhất cho vị tướng có tài thao lược xuất chúng nhưng phải đem nỗi oan khuất xuống mồ.

Ông Bành Đức Hoài, tên thật Bành Đức Hoa, là một trong 10 nguyên soái của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1954 đến 1959. Ông là một chỉ huy chủ chốt trong cuộc chiến Trung - Nhật lần hai và cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc, đồng thời là Tổng chỉ huy lực lượng Chí nguyện quân Trung Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên. Tuy nhiên, vị tướng đầy bản lĩnh này đã phải trả giá rất đắt cho sự nghiệp trọn đời của mình vì dám phản đối nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông trong phong trào Đại nhảy vọt.

Khai quốc công thần

Theo Nhân dân nhật báo, Bành Đức Hoài sinh ngày 24.10.1898 tại huyện Tương Đàm. Cậu bé Bành có đôi mắt lanh lợi, được trời phú một tinh thần mạnh mẽ và kiên định. Xa gia đình từ lúc 9 tuổi, cậu xin làm công nhân tại các mỏ than rồi tham gia xây dựng đập nước trên hồ Động Đình trong 6 năm sau đó. Bành vào quân đội lúc 16 tuổi và 12 năm sau vươn đến chức chỉ huy lữ đoàn trong Quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng. Cuộc đời Bành chính thức rẽ sang hướng khác kể từ khi chàng trai này rời Quốc dân đảng để tránh sự “truy sát” của Tưởng Giới Thạch vào năm 1927 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc không lâu sau đó.

Trong cuộc rút lui quân sự chiến lược mang tên Vạn lý Trường chinh kéo dài 370 ngày vào các năm 1934 và 1935, Bành giữ vai trò chỉ huy Quân đoàn 3. Sự nghiệp của Bành tiếp nối với vai trò Phó tổng tư lệnh quân đội Cộng sản Trung Quốc và điều phối Chiến dịch Trăm trung đoàn trong thời gian nổ ra Thế chiến thứ hai. Những đối sách táo bạo và đầy mưu lược của Bành “sau lưng” quân Nhật ở miền bắc Trung Quốc đã góp phần quan trọng giúp đẩy quân đội Thiên hoàng tiến gần đến thất bại. Trong những giai đoạn cuối của chiến tranh giải phóng Trung Quốc, Bành chỉ huy Quân đoàn chiến trường số 1 lần lượt giành quyền kiểm soát các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ và Thanh Hải.

Ngày 8.10.1950, ông được phong làm Tư lệnh tối cao Chí nguyện quân nhân dân Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên và giữ vị trí này đến khi đạt được thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Cùng thời gian đó, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, trở thành ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được tấn phong nguyên soái vào năm 1955.

Đoạn kết bi thảm

Đúng với tính cách được Dương Thượng Côn mô tả, Bành Đức Hoài không hề ngần ngại bày tỏ ý kiến của mình trước những chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi chúng mang lại nhiều khổ đau cho người dân trong thời kỳ Đại nhảy vọt. Bi kịch của nguyên soái họ Bành nảy sinh từ hội nghị của các lãnh đạo đảng ở Lư Sơn vào tháng 7.1959, khi ông gửi tâm thư phê phán Đại nhảy vọt đến Mao Trạch Đông. Theo cuốn Lịch sử Trung Quốc do Đại học Maryland (Mỹ) xuất bản năm 2010, trong bức thư trên, Bành đã đề cập đến việc quản lý tồi cũng như cảnh báo việc đặt giáo điều chính trị lên trên quy luật kinh tế. Tuy nhiên, dù Bành sử dụng lời lẽ ôn hòa trong thư, Mao vẫn xem đó là một cuộc công kích cá nhân nhằm vào vai trò lãnh đạo của ông. Sau hội nghị, Bành bị cách chức và bị buộc tội “cơ hội hữu khuynh”. Người thay ông là Lâm Bưu, một nguyên soái phê phán Bành quyết liệt tại cuộc họp ở Lư Sơn.

Theo Nhân dân nhật báo, không chỉ bị cách chức, Bành còn bị quản thúc và bị xa lánh suốt nhiều năm sau đó. Khi những sai lầm của Đại nhảy vọt lộ rõ vào đầu thập niên 1960, uy tín của Bành được khôi phục một phần. Nhờ những nỗ lực minh oan của các lãnh đạo Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, Mao đã đồng ý giao cho Bành nhiệm vụ quản lý phát triển công nghiệp ở khu vực tây nam trong dự án có tên gọi “Mặt trận thứ ba” vào năm 1965.

Tuy nhiên, số phận của Bành đã được quyết định khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ vào năm 1966. Những Hồng vệ binh đáng tuổi con cháu đã bắt giữ, tra tấn và đánh đập tàn tệ vị nguyên soái khai quốc công thần. Tinh thần mạnh mẽ bẩm sinh của người lính già đã giúp ông duy trì sự khẳng khái đến những phút cuối cùng. Ông qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 29.11.1974.

Năm 1978, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11 đã xem xét lại trường hợp của ông Bành. Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khôi phục thanh danh và tái khẳng định những đóng góp của Bành Đức Hoài với Cách mạng Trung Quốc.

Trùng Quang

>> Những danh tướng thất sủng: MacArthur - vị tướng thách thức tổng thống Mỹ
>> Những danh tướng thất sủng: Georgy Zhukov, vị nguyên soái phi thường
>> Công bố dự án Danh tướng Việt Nam
>> Tưởng niệm 710 năm ngày mất danh tướng Trần Quốc Tuấn
>> Một danh tướng không quân hàm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.