Mối nguy hạt nhân từ lực lượng FARC

23/10/2010 23:02 GMT+7

Chính phủ Colombia đang ra sức ngăn chặn lực lượng chống đối FARC "hạt nhân hóa" hoạt động của họ.

Chính phủ Colombia hôm 19.10 đã thành lập đơn vị đầu tiên có nhiệm vụ chuyên ngăn chặn lực lượng FARC tìm kiếm và sở hữu vũ khí hạt nhân. Đơn vị đặc nhiệm có tên Trung tâm An ninh hạt nhân của cảnh sát Colombia được giao trọng trách ngăn cản các chiến binh FARC tiếp cận vật liệu hạt nhân có thể dùng để chế tạo bom hủy diệt.

Việc thành lập đơn vị nói trên đã được hoạch định sau khi chính quyền phát hiện âm mưu của FARC thu mua uranium từ châu u cách đây hơn 2 năm. FARC bắt đầu nổi dậy hơn 40 năm trước với tuyên bố lật đổ chính quyền và sẽ chia sẻ quyền lợi của tầng lớp ưu tú Colombia cho số đông dân chúng. Tuy nhiên, tổ chức này đã “nhúng chàm” khi dính líu vào hoạt động buôn bán ma túy, tiến hành các chiến dịch đánh bom nhằm vào dân thường cũng như bắt cóc và cầm giữ con tin để đòi tiền chuộc hoặc để tìm kiếm lợi thế chính trị. Nay với cáo buộc tìm kiếm uranium để chế tạo bom hủy diệt, FARC tiếp tục gây thêm lo ngại cho Chính phủ Colombia.

Lá thư uranium

Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc tấn công gây tranh cãi của quân đội Colombia vào một căn cứ của FARC trên lãnh thổ nước láng giềng Ecuador vào ngày 1.3.2008. Theo CNN, vụ tấn công xảy ra trong khu vực rừng già cách thành phố Lago Agrios của Ecuador khoảng 2 cây số về phía nam. Lực lượng Colombia đã tiêu diệt 16 tay súng, trong đó có cả nhân vật chỉ huy số 2 của FARC là Luis Edgar Devia Silva, có bí danh Raul Reyes. Khi khám xét căn cứ của FARC, binh lính Colombia phát hiện một số máy tính xách tay của Reyes.


Chỉ huy cấp cao của FARC Raul Reyes, bị tiêu diệt năm 2008, từng định mua uranium

Tại buổi họp báo ngày 3.3.2008, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Colombia khi đó là tướng Oscar Naranjo tuyên bố FARC đang thương thảo mua 50 kg uranium chưa xác định được cấp độ. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện này, tướng Naranjo đã nói: “Với ý định mua đến 50 kg uranium, FARC đang thực hiện những bước đi quan trọng để vươn lên trong thế giới khủng bố và trở thành lực lượng có khả năng đe dọa toàn cầu”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tuyên bố của Colombia chỉ nhằm phân tán sự chỉ trích của dư luận đối với hành động xâm phạm lãnh thổ Ecuador và chứng minh cho sự đúng đắn của chiến dịch xuyên biên giới chống FARC.

Theo chuyên san WND Insights, cảnh sát đã chuyển số tài liệu thu thập được từ máy tính của Reyes cho tờ báo hàng đầu Colombia là El Tiempo. Hãng tin Mỹ ABC News cũng phát hiện một tài liệu khác đề cập một cuộc giao dịch uranium của FARC và cũng đưa lên website của họ. Đáng chú ý nhất trong số này là một lá thư gửi Reyes do Edgar Tovar viết. Theo ông Francisco Santos Calderón, Phó tổng thống Colombia khi đó, Tovar chính là chỉ huy Mặt trận 48 của FARC, hoạt động gần biên giới với Ecuador. Trong bức thư đề ngày 16.2.2008, Tovar cho biết một kẻ cung cấp chất nổ tại Bogota tên Belisario đã gửi cho Tovar một số “mẫu vật đặc biệt” với giá đề nghị mua trọn gói là 2,5 triệu USD/kg. Mức giá quá cao nói trên khiến giới chức Colombia tin Tovar muốn nói đến uranium đã qua xử lý. Để so sánh, uranium thô khai thác ở Colombia và Venezuela có giá chỉ 100-300 USD/kg. Cũng theo thư của Tovar, dường như Belisario có mối liên lạc trực tiếp với những băng nhóm buôn lậu vũ khí sở hữu đến 50 kg uranium.

Khi làn sóng chỉ trích hành động xâm phạm lãnh thổ Ecuador của Colombia tạm lắng, thì vào ngày 26.3.2008, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Colombia, tướng Freddy Padilla tuyên bố nhà chức trách đã phát hiện 30 kg uranium tại một khu ổ chuột ở phía nam Bogota được cho là của FARC và là vật liệu được đề cập trong thư của Tovar gửi Reyes. Một phòng thí nghiệm sau đó cho biết kết quả phân tích cho thấy số “chiến lợi phẩm” kia là uranium đã được làm nghèo (DU). DU có thể được sử dụng để chế “bom bẩn” nhằm phân tán chất phóng xạ gây ung thư, hoặc những tên lửa có thể xuyên qua vỏ bọc thép và gây cháy. Bloomberg dẫn lời chuyên gia Cesar Restrepo thuộc Quỹ An ninh và Dân chủ ở Bogota nhận định rất có thể FARC cần số vật liệu trên để chế tạo tên lửa phá hủy xe bọc thép của tổng thống hoặc một bộ trưởng.

Chuyến đi bí mật sang Bucharest

Ngay sau khi có tin Reyes bị tiêu diệt ở Ecuador, trang tin World Net Daily của Mỹ đưa tin tình báo Anh cho biết chỉ huy số 2 của FARC đã thực hiện một chuyến đi bí mật sang thủ đô Bucharest của Romania. Mục đích của chuyến đi là nhằm thương lượng với một băng nhóm tội phạm ở đây về việc mua một khối lượng uranium đủ để chế tạo một quả bom bẩn. Theo một chuyên gia thuộc Trung tâm Năng lượng hạt nhân Anh, bom bẩn là loại vũ khí có khả năng sát thương cao. Dù không có tác động lớn như một vụ nổ bom hạt nhân nhưng nó có thể được chế tạo dễ dàng và gây thiệt hại đáng kể. Theo tin tức tình báo, những kẻ gặp gỡ Reyes tại Bucharest chính là tổ chức tội phạm cực kỳ nguy hiểm có tên Mặt trời mọc.

Dưới sự chỉ huy của Semyon Yukovich Mogilevich, kẻ bị Bộ Nội vụ Anh mô tả là “một trong những tên tội phạm nguy hiểm nhất thế giới” và bị truy nã khắp châu u, các hoạt động chính của Mặt trời mọc là mại dâm, rửa tiền, buôn người, vũ khí và ma túy. Theo chính quyền Anh, Mặt trời mọc quan hệ mật thiết với al-Qaeda và thiết lập sự hiện diện ở nhiều nước Nam Mỹ.

Chính mối liên hệ giữa al-Qaeda và Mặt trời mọc khiến các nhân viên tình báo Anh đóng tại Bucharest chú ý đến việc Reyes đến đây và liên hệ với tập đoàn này. Theo tình báo Anh, bằng cách sử dụng bí danh và hộ chiếu Venezuela, Reyes đã đến Bucharest vào giữa tháng 1.2008 để gặp một thành viên cao cấp của Mặt trời mọc. Nhóm này bị cơ quan tình báo hải ngoại của Anh (MI6) và nhiều cơ quan tình báo châu u khác cáo buộc dính líu vào vụ đánh cắp uranium tại một kho hạt nhân của Nga ở Chelyanbinsk-70 nằm sâu trong vùng núi Ural. Giới hữu trách cũng khẳng định rằng tham vọng chế tạo bom bẩn của FARC là nhằm ám sát Tổng thống Colombia khi đó là Alvaro Uribe, một đồng minh thân cận của Anh và Mỹ.

Việc phát hiện 30 kg DU ở Bogota cuối tháng 3 rõ ràng phù hợp với những thông tin mà tình báo Anh thu thập được về ý định của FARC. Dĩ nhiên, lực lượng này đã lên tiếng bác bỏ dính líu vào hoạt động thu mua uranium nói trên.

Vẫn còn nhiều nghi vấn

Dù việc phát hiện DU ở Colombia không phải là quá nghiêm trọng liên quan đến vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng nó giúp củng cố cáo buộc của chính phủ về việc FARC tìm kiếm vật liệu phóng xạ và chế vũ khí hủy diệt. Mỹ cũng đã bày tỏ sự “lo ngại sâu sắc” đối với việc phát hiện DU, khẳng định điều đó củng cố thêm “hiểm họa mà FARC tạo ra cho người dân Colombia và khu vực”.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không có nghi vấn. Theo WND Insights, nếu số DU ở Bogota là thứ mà Tovar đề cập đến trong thư gửi Reyes, vụ việc có thể được “khóa sổ”. Nhưng còn sự khác biệt về khối lượng thì sao? Thư của Tovar đề cập 50 kg uranium, trong khi khối lượng DU tịch thu được chỉ là 30 kg. Quan trọng hơn, các chiến binh FARC đã tiếp nhận số DU ở nơi nào, như thế nào. Dư luận cũng đặt dấu hỏi về tuyên bố do tướng Padilla đưa ra tại buổi họp báo công bố vụ phát hiện DU là FARC “đã tìm kiếm uranium từ năm 2005”.

Dù chưa được giải thích rõ ràng, tuyên bố trên được chính quyền lặp lại hôm 19.10 vừa qua để lấy lý do thành lập đơn vị đặc nhiệm chống vũ khí hạt nhân vừa được thành lập.

Một nghi vấn khác là tại sao phải đến 2 năm sau vụ phát hiện DU Colombia mới quyết định thành lập đơn vị nói trên? Trong 2 năm đó, không phát hiện thêm vụ việc tương tự nào liên quan đến FARC và uranium. Phải chăng FARC đã rút kinh nghiệm nên không để “hở sườn” trong những vụ giao dịch tiếp theo, hay hoạt động mua uranium do Reyes làm “chủ xị” đã theo ông này xuống mồ? Về phía Chính phủ Colombia, người ta cũng nghi ngờ mục đích thật sự và hiệu quả của lực lượng đặc nhiệm trong việc ngăn chặn FARC thực sự “hạt nhân hóa”. Trong cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài mấy chục năm, cả lực lượng chính phủ lẫn FARC đều phải gánh chịu nhiều chỉ trích về những hành động vi phạm nhân quyền và gây tội ác chiến tranh.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.