Hai người đàn bà trong đời Franklin D. Roosevelt

13/12/2003 20:42 GMT+7

Lịch sử nước Mỹ vẫn ghi nhớ công lao vị tổng thống thứ 32 của họ - Franklin D.Roosevelt. Dù bị liệt 2 chân từ năm 39 tuổi, Franklin D. Roosevelt vẫn trở thành một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ, đắc cử 4 nhiệm kỳ liên tục và có công trong việc sáng lập ra tổ chức Liên hiệp quốc. Nhưng, thành công của người chồng nào cũng luôn luôn có sự hiện diện của ...

Sinh năm 1882 trong một gia đình quí tộc có truyền thống ở Hà Lan di cư đến Mỹ từ năm 1640, Franklin Roosevelt bước vào đại học Havard từ năm 18 tuổi và chỉ sau 3 năm, ông lấy bằng cử nhân. Song những năm học hành cũng chẳng đem lại bao nhiêu hứng thú cho cậu bé Franklin, ngoài việc gặp gỡ và tán tỉnh Anna Eleanor Roosevelt (11/1902).

Thực ra, Franklin chẳng lạ gì Eleanor. Họ cùng mang dòng họ Roosevelt quyền quí và bản thân Franklin chính là người anh họ hàng xa, hơn cô em Eleanor 2 tuổi. Tuy nhiên, trong lúc cuộc sống của Franklin êm ả đến chán chường thì Eleanor lớn lên trong hoàn cảnh khác hẳn: mồ côi cha mẹ khi mới lên 10 tuổi và phải sống nhờ sự chăm sóc của các cô, dì. Franklin bị Eleanor hấp dẫn bởi óc thông minh, tấm lòng bao dung và một điểm khác – Eleanor rất gần gũi với ông bác Theodore Roosevelt.

Lucy

“Anh ấy rất mạnh mẽ trong khi lập trường của tôi rất bấp bênh”, Eleanor viết lại trong hồi ký This is My Story. Nhưng sau đó, bà cũng thú nhận với một người em họ rằng vì F.D.R. quá hấp dẫn nên cô sợ sẽ khó thể hạnh phúc lâu dài với mình được. Hai người cưới nhau năm 1905 với sự “mai mối” của Theodore Roosevelt – tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Thoạt nhìn, cuộc hôn nhân rất thành công và cảnh sống trong giàu sang giúp họ dễ dàng leo lên tầng lớp thượng lưu ở New York. Trong 11 năm tiếp theo, họ hạ sinh 5 người con. Tuy nhiên, Eleanor thường không cảm thấy vui vẻ gì mấy. Bà thường xuyên sống chung với các bà góa trong họ, chăm sóc con cái và không có thời gian ra ngoài trong khi Franklin vẫn vui vẻ kéo xì – phé với bạn bè và được tận hưởng một cuộc sống gần như lý tưởng.

Mãi đến năm 1917, khi nước Mỹ bước vào Đệ nhị thế chiến và Franklin đã trở thành trợ lý của Tổng tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ, Eleanor mới được bước ra xã hội. Nhưng khi đó cũng là lúc bà phát hiện những rạn nứt đầu tiên trong cuộc hôn nhân.

Mùa hè 1918, trong chuyến viếng thăm mặt trận châu u, Franklin gặp Winston Churchill – lúc này là Bộ trưởng phụ trách đạn dược của quân đội Anh. Khi ông trở về, Eleanor phát hiện một bức thư tình do Lucy Mercer gửi. Đó là cô thư ký quan hệ 27 tuổi, giúp việc cho Eleanor cách đó 4 năm.

Trong thời gian làm việc, Lucy gặp Franklin và bắt đầu yêu ông ta. Khi Eleanor phát hiện, theo truyền thống gia tộc, Eleanor yêu cầu Franklin ly dị. Ông từ chối, một phần e sự nghiệp chính trị sẽ tiêu tan một khi vụ scandal được đưa ra công luận, phần khác vì sợ mẹ sẽ cắt sạch nguồn tài chính nếu ông bỏ vợ và con cái. Để cứu vãn cuộc hôn nhân, Franklin cam kết sẽ không gặp lại Lucy nữa.

Sau này Franklin không giữ được lời hứa dù 2 năm sau vụ đổ bể, Lucy đã cưới và có 1 con gái với Winthrop Rutherfurd – một người đàn ông góa vợ giàu có và có 6 đứa con riêng. Franklin đã yêu cầu Lucy đến dự để tấn phong của mình vào năm 1932 và hai người bắt đầu gặp lại nhau. Eleanor không biết những cuộc gặp gỡ ấy. Sau này, J.B.West - người phụ trách an ninh Nhà Trắng (1941 – 1969) kể lại cuộc tình hai người trong quyển Upstairs at the White House (tạm dịch – Chuyện trên lầu tòa Bạch Ốc):

Eleanor

“... có một vị khách quen mà chúng tôi không cần phải vội vã tiếp đón. Bà ta đến khá thường, nhưng chỉ toàn vào những ngày bà Roosevelt đã ra khỏi thành phố. Đó là Lucy Mercer, người bạn gái hay được tổng thống mời đến tòa Bạch Ốc. Một phụ nữ hấp dẫn, sôi nổi ở tuổi 40. Bà ta luôn đến bằng cửa trước, ở phía bắc. Chúng tôi thường nhìn bà bước vội vã, cùng nhân viên an ninh (hộ tống) lên lầu 2. Ở đó, người quản gia sẽ phục vụ trà, rồi đóng cửa lại và để tổng thống một mình. Khoảng 1 giờ sau, tổng thống gọi lính hộ tống bà ra xe.”

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng gia đình đã giải phóng Eleanor. Từ năm 1918, bà và Franklin có 2 cuộc sống khác biệt và bà được tự do làm những việc mình muốn, đeo đẳng những mục đích xã hội và chính trị.

Mùa hè 1921, Franklin bị bệnh dẫn đến chứng liệt cả 2 chân. Sự hiện diện của ông ngoài công chúng được lý giải thông qua các hoạt động của vợ. Eleanor đã hoạt động như “mắt và chân của chồng” – theo bà thường nói, để giữ cho tên tuổi chồng mình đừng bị công chúng lãng quên cho đến khi Franklin có thể trở lại.

Rồi 7 năm sau, ông bất ngờ trỗi dậy đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa - chưởng lý Albert Ottingert, trong cuộc bầu cử thống đốc bang New York. Trong 2 nhiệm kỳ, Franklin đấu tranh để thông qua nhiều chính sách tiến bộ như: tái trồng rừng, tăng tiền trợ cấp cho người lớn tuổi và cựu chiến binh, bảo hiểm thất nghiệp, giới hạn giờ làm việc cho phụ nữ, trẻ em và phát triển ngành năng lượng.

Năm 1931, khi nền kinh tế Mỹ bước vào cơn suy thoái trầm trọng, Franklin trở thành vị thống đốc đầu tiên thành công trong việc thành lập một Ủy ban cứu trợ đạt hiệu quả. Để triển khai ý tưởng của mình, ông tuyển mộ “chất xám” từ trường đại học Columbia, gồm các giáo sư tên tuổi như Raymon Moley, Rex Ford Tugwell và Adolf Berle Jr – để thực hiện New Deal - Chính sách kinh tế xã hội mới do ông đề ra khá mềm dẻo.

Bên cạnh đó, ông lập chương trình “trò chuyện với thống đốc” trên đài phát thanh để tiếp cận với người dân. Những chính sách ấy đã biến Franklin thành vị thống đốc được mến mộ nhất. Nhờ vậy, ông đắc cử ghế tổng thống (tháng 3/1933), đúng lúc nền kinh tế Mỹ tưởng chừng như tuyệt vọng. Cả nước có khoảng 13 – 15 triệu người thất nghiệp, trong đó 1 – 2 triệu người bỏ ra nước ngoài kiếm việc làm.

Người dân hốt hoảng, rủ nhau rút sạch tiền gửi ngân hàng, khiến 38 ngân hàng phải đóng cửa. Ông lập tức cho ra đời hàng loạt tổ chức nhằm hỗ trợ chương trình New Deal của mình, quan trọng nhất là Ủy ban xúc tiến việc làm và Ủy ban liên lạc lao động quốc gia. Cùng lúc, bà Eleanor vận động hỗ trợ chồng bằng các bài viết trên báo và tạp chí.

Từ năm 1933 đến 1945, Eleanor viết tổng cộng khoảng 2.500 bài chuyên mục đăng trên báo, 299 bài trên tạp chí, xuất bản 6 quyển sách và đi vận động khắp nơi. Hoạt động của bà đã giành được thiện cảm của đông đảo cử tri. Các cuộc trưng cầu cho thấy – bà được dân chúng mến mộ hơn cả đức ông chồng. Hoạt động của Eleanor cùng với thành công của New Deal đã giúp Franklin tái đắc cử nhiệm kỳ 2 (năm 1936). Thế nhưng, phải đến tận đầu Thế chiến thứ 2, cuộc suy thoái mới chấm dứt sau khi Bộ kinh tế kêu gọi những người thất nghiệp, không phải nhập ngũ, trở lại làm việc.

Chưa hề có vị tổng thống nào ra tranh cử nhiệm kỳ 3, song Franklin đã làm điều ấy – vào năm 1940, khi ông cảm thấy châu u đang bị gót giày Hitler giày xéo. Eleanor vẫn là nhà hoạt động số 1 cho chồng, đến độ, các ứng viên đảng đối lập phải giương biểu ngữ: “Chúng tôi cũng không muốn Eleanor”.

Tuy nhiên, khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng (7/12/1941) dẫn đến việc nước Mỹ bước vào Đệ nhị thế chiến, Franklin chuyển sự tập trung từ việc cải cách kinh tế sang quân sự, do đó vai trò của Eleanor phần nào bị phai nhạt. Tuy nhiên, bà vẫn được ca ngợi là “đệ nhất phu nhân của thế giới” và mất năm 1962 tại New York.

Trong khi đó, tài hùng biện, niềm tin, hành động quyết đoán và khả năng kết hợp con người đã giúp Franklin trở thành một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất nhất thời chiến. Kinh nghiệm thời làm ở binh chủng hải quân giúp ông tạo được mối quan hệ mật thiết với các tướng lĩnh. Ông hình dung ra những gì sẽ xảy ra sau Đệ nhị thế chiến, thậm chí, ngay trước khi nước Mỹ tham chiến.

Tháng 8/1941, ông gặp Winston Churchill để lập ra Hiến chương Đại Tây Dương, trở thành đồng minh của Anh quốc. Từ đây đến cuối thế chiến, Franklin làm việc với Churchill, Stalin và các lãnh đạo đồng minh khác, lên kế hoạch cho ra đời tổ chức Liên hiệp quốc. Mặc dù ông không còn sống để thấy tổ chức Liên hiệp quốc thành hiện thực, song ý tưởng đó đã trở thành một trong những thành tựu vĩ đại nhất của ông.

Năm 1944, chiến trận đổi chiều, nhưng chưa kết thúc. Franklin tiếp tục tranh cử và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Bệnh tình của ông trở nặng, song ông vẫn cố theo dõi cuộc chiến. Sau khi trở về từ Yalta – nơi diễn ra phiên họp cuối cùng thời chiến của lãnh đạo các nước đồng minh, ông mất vì chứng xuất huyết não vào ngày 12/4/1945 tại Warm Spring, Georgia, bên cạnh người ...bạn gái Lucy Mercer.

N.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.