Đi tìm hậu duệ Ngụy, Thục, Ngô

03/02/2010 10:30 GMT+7

Thời Tam Quốc phân tranh ở Trung Hoa đã trôi vào lịch sử ngót 2 thiên niên kỷ. Những nhân vật lừng lẫy một thời như Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, Gia Cát Lượng, Quan Công, Mã Siêu... đã thành cát bụi nhưng hậu duệ của họ vẫn còn đó, vẫn tiếp tục cuộc sinh tồn.

Một điều bất ngờ thú vị là hàng ngàn năm nay, hậu duệ ba hoàng đế lừng danh thời Tam Quốc: Thục đế Lưu Bị, Ngô đế Tôn Quyền và Ngụy đế Tào Tháo đều sống tập trung dọc theo bờ sông Phú Xuân, huyện Phú Dương, tỉnh Triết Giang, khiến nơi đây trở thành trọng điểm văn hóa lịch sử của Trung Quốc.

Sống Kim, chết Lưu

Thôn Thự Tinh, xã Ngư Sơn, huyện Phú Dương là vùng định cư của hậu duệ Thục đế Lưu Bị (161-223). Trong thôn có đền thờ Lưu Bị và hầu hết người dân đều mang họ Kim.

Ông Kim Khôn Tiều, hậu duệ đời thứ 73 của Lưu Bị, cho biết ông đã mạo hiểm giữ lại bộ gia phả Phú Xuân Lưu thị tông phổ, báu vật trấn môn của gia tộc họ Lưu, trong cuộc “cách mạng văn hóa” tàn khốc.

Cuốn gia phả này đã được chỉnh lý nhiều lần, mỗi lần đều có đề tự của các nhân vật nổi tiếng như: Chu Hy, Văn Thiên Tường, Phương Hiếu Nhu...

Theo Phú Xuân Lưu thị tông phổ, Lưu Bị là hậu duệ của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Sau khi soán Tào lên ngôi, lập ra nhà Tấn, kết thúc thời Tam Quốc, Tư Mã Viêm đã ra Tru Lưu chiếu (chiếu diệt Lưu) nên gia tộc họ Lưu phải rời vùng Tứ Xuyên đi tị nạn.

Từ đó, trong gia tộc quy định chữ Lưu bỏ đi bộ “mão” và bộ “đao” còn lại chữ Kim và lấy đó làm họ. Gần 200 năm sau, khi triều Tấn bị diệt vong, họ Lưu mới được khôi phục.

Tuy nhiên, đến đời Minh, dòng dõi Lưu Bị là hoạn quan Lưu Cẩn lộng quyền, năm 1510 bị xử lăng trì. Triều đình bấy giờ lại muốn tru diệt Lưu tộc nên con cháu họ này lại chuyển thành họ Kim và di tản đến Phú Dương - Triết Giang.

Dòng họ Lưu lúc còn sống đều lấy họ Kim, chết đi mới thờ lại họ Lưu. Đây là quy định "Tử Lưu hoạt Kim" (sống Kim, chết Lưu) của hậu duệ Lưu Bị.

Hơn 90 đời họ Tôn

Thủy tổ của Ngô đế Tôn Quyền (182-252) vốn là họ Trần tên Thư, người thời Xuân Thu, sau có công được Tề Vương ban họ Tôn. Đến đời thứ ba, họ Tôn sinh ra Tôn Vũ, thiên tài quân sự Trung Hoa cổ đại, người để lại Binh pháp Tôn Tử 13 thiên nổi tiếng.

Con thứ của Tôn Vũ là Tôn Minh được phong Phú Xuân Hầu, đây là ông tổ đời thứ nhất của họ Tôn ở Phú Dương. Đời thứ 19 là Tôn Chung sinh ra Tôn Kiên, tức cha Tôn Quyền.
 
Tính đến nay, dòng họ Tôn đã truyền hơn 90 đời. Tôn Quyền tự là Trọng Mưu, giỏi về chính trị. Đối thủ của ông là Tào Tháo từng nói: “Sinh con thì nên như Tôn Trọng Mưu”.

Cách thị trấn Phú Dương 20 km về hướng Tây Nam là thôn cổ Vương Châu, cố hương của Tôn Quyền. Bên trong thôn có miếu thờ Ngô Đại đế rất uy nghi, có di tích Tôn Chung trồng dưa... Đặc biệt, tại đây còn có bia của vua Quang Tự sắc lập, đánh dấu đất phát tích của Ngô gia.

Tuy nhiên, nơi tụ cư đông nhất của hậu duệ Tôn Quyền là thị trấn cổ Long Môn, cách Hàng Châu khoảng 50 km. Long Môn có hơn 7.000 người thì đến 95% là con cháu Tôn Quyền và họ định cư ở đây đã hơn ngàn năm.

Thị trấn này rộng khoảng 2 km², đến nay vẫn còn giữ hoàn chỉnh các quần thể kiến trúc cổ độc đáo đời Nguyên, Minh, Thanh. Trong đó, nổi tiếng có từ đường họ Tôn, Lạc Thiện Đường, Minh Triết Đường, Bách Sư Đường, Đồng Hưng tháp... Tổ tiên của Tôn Trung Sơn cũng khởi nguồn từ đây.

Gần Long Môn có thôn Hóa Trúc cũng là một điểm tụ cư của con cháu Tôn Quyền. Họ đều là hậu duệ của hoàng tử thứ ba của Tôn Quyền là Tôn Hòa và cháu là Tôn Hạo.

Nơi đây còn giữ được bộ Phú Xuân Tôn thị gia phổ 57 cuốn do hoàng đế các đời Minh, Thanh nhuận sắc, được xem là “hoàng gia ngọc điệp” vô cùng trân quý.

Từ Tào đến Tháo

Thôn cổ Đông Đồ Thượng có hơn 1.500 người thì trên 90% mang họ Tào. Khảo sát cho thấy đây là dòng chính của Tào Thực, con trai thứ của Ngụy Vũ đế Tào Tháo (155-220). Trong thôn có từ đường Tào thị quy mô hoành tráng, bố cục nghiêm cẩn.

Theo đề tự trong Tào thị gia phổ, cuối đời Ngụy, họ Tào đã suy, quyền chính nằm trong tay dòng họ Tư Mã. Anh em Tư Mã Chiêu muốn soán đoạt ngôi vị nên thẳng tay bức hại con cháu họ Tào. Năm 266, Tư Mã Viêm phế nhà Ngụy, lập nhà Tấn, lại càng gia tăng việc tàn sát hậu duệ Tào Tháo.

Trong 25 người con của Tào Tháo chỉ có 2 người trốn thoát được. Một nhánh của Tào Thực từ huyện Hấp, tỉnh An Huy (cố hương của Tào Tháo) chạy về Triết Giang. Một nhánh khác của Tào Lâm chạy về Phiên Dương, tỉnh Giang Tây và đổi thành họ Tháo.

Theo Tiều Quốc Tháo thị gia phổ, do Tào và Tháo đều là người một nhà nên có môn quy rất nghiêm: Hai họ tuyệt đối không được kết hôn với nhau. Chi tộc họ Tháo ngày càng đông đúc và phân bố ở 14 huyện, tỉnh Trung Quốc, lưu lạc cả sang Đông Nam Á. Theo một thống kê vào tháng 7-2001, gia tộc họ Tháo có đến khoảng 300.000 nhân khẩu.

Chung sống thanh thản, hòa ái

Hằng năm, cứ vào mùng 7 tháng giêng âm lịch, hậu duệ của ba dòng Lưu, Tôn, Tào lại tổ chức họp mặt nâng chén vui chơi rất vui vẻ.

Nếu như ông tổ của họ chia ba thiên hạ, tranh chiếm giang sơn thì giờ đây họ sống thanh thản và hòa ái với nhau. Ngoài ra, mỗi dịp húy kỵ ông tổ của họ nào thì tất cả đều cùng đến chung vui.

Quá khứ bi hùng của 18 thế kỷ trước lại được tái diễn qua những tuồng tích mà ai nấy đã thuộc lòng.

Tại Phú Dương, con cháu Lưu Bị đa phần làm nghề nông. Con cháu của Tôn Quyền hầu hết làm nghề thủ công, nổi tiếng trong sản xuất vợt cầu lông. Trong khi đó, con cháu của Tào Tháo thì làm nghề đánh bắt cá trên sông Phú Xuân và hầu như không ai tham gia chính trị.

Thượng Văn
NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.