Từ 1977 đến nay, Nhật đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng con tin

23/01/2015 20:34 GMT+7

(TNO) Người Nhật vẫn đang lo âu ngóng chờ tin tức của hai con tin đang nằm trong tay tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo AFP, kể từ năm 1977 đến nay, Nhật Bản đã đối mặt với hàng loạt những vụ khủng hoảng con tin.

(TNO) Người Nhật vẫn đang lo âu ngóng chờ tin tức của hai con tin đang nằm trong tay tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo AFP, kể từ năm 1977 đến nay, Nhật Bản đã đối mặt với hàng loạt những vụ khủng hoảng con tin.

Hai công dân Nhật bị IS bắt làm con tin, Kenji Goto (trái) và Haruna Yukawa (phải) trong đoạn video IS tung lên mạng. IS dọa sẽ chặt đầu hai người này nếu chính phủ Nhật không trả tiền chuộc 200 triệu USD vào lúc 14 giờ 50 ngày 23.1 (tức 12 giờ 50 giờ VN). Nhưng đến chiều 23.1, Nhật Bản vẫn chưa nhận được thông báo nào từ IS - Ảnh: Reuters
9.1977: 5 thành viên có vũ trang của tổ chức khủng bố Hồng quân Nhật Bản (JRA) cướp một máy bay hãng hàng không Japan Airlines (Nhật Bản) chở 156 người đi từ thủ đô Paris (Pháp) đến thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Những tên không tặc buộc phi công chuyển hướng bay đến Bangladesh, ra yêu sách đòi 6 triệu USD và thả 9 phần tử của JRA đang ngồi tù. Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là ông Takeo Fukuda đã chấp thuận yêu sách của không tặc, cho biết “mạng người nặng hơn cả trái đất”. 6 phần tử JRA được trả tự do và con tin trên máy bay an toàn.
11.1986: Trưởng văn phòng của Tập đoàn thương mại Mitsui & Co (Nhật) tại thủ đô Manila (Philippines) bị 5 người đàn ông có vũ trang bắt cóc ở Manila. Số tiền chuộc 10 triệu USD đã được chi trả và con tin được trả tự do.
Ảnh minh họa một máy bay của hãng hàng không Japan Airlines (Nhật Bản) - Ảnh: Reuters
12.1996: Các tay súng thuộc phong trào cánh tả bắt giữ hàng trăm nhà ngoại giao và quan chức khác làm con tin trong một buổi tiệc ở Đại sứ quán Nhật tại Peru. Cuộc khủng hoảng con tin kéo dài trên 100 ngày và cuối cùng quân đội Peru buộc phải công kích. Một con tin và tất cả những tay súng thiệt mạng.
4.2004: 3 công dân Nhật bị một nhóm Hồi giáo cực đoan bắt làm con tin suốt một tuần ở Iraq. Nhóm này ra yêu sách đòi lính Nhật phải rút khỏi Iraq. Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là Junichiro Koizumi bác bỏ yêu sách, nhưng ba con tin được trả tự do sau khi các thủ lĩnh Hồi giáo vào cuộc hỗ trợ giải cứu con tin. 3 người Nhật này là nhân viên tình nguyện Noriaki Imai và Nahoko Takato, cùng một phóng viên ảnh tên Soichiro Koriyama.
Các tay súng tấn công Đại sứ quán Nhật ở Peru hồi tháng 12.1996 - Ảnh: Reuters
10.2004: Các tay súng Hồi giáo dính líu với tổ chức khủng bố al-Qaeda đã cắt đầu một du khách Nhật tên là Shosei Koda (24 tuổi) ở Iraq, sau khi Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi bác bỏ yêu sách rút 550 lính Nhật khỏi Iraq. Phần đầu và các bộ phận thi thể của Koda sau đó được phát hiện ở thủ đô Baghdad, Iraq.
Các tay súng này cho rằng Tokyo đã đề xuất trả tiền chuộc hàng triệu USD để đổi lấy trả tự do cho Koda, nhưng họ đã từ chối. Chính phủ Nhật bác bỏ thông tin này.
9.2010: Nhà báo tự do Nhật Kosuke Tsuneoka được trả tự do sau 5 tháng bị các tay súng của tổ chức Hồi giáo Hizb-i-Islami bắt giữ làm con tin ở Afghanistan. Ông Tsuneoka sau đó trở nên nổi tiếng nhờ những kinh nghiệm và kiến thức của ông về các vấn đề Hồi giáo.
1.2013: Các tay súng Hồi giáo đã đột kích vào một nhà máy khí đốt lớn ở Algeria, khống chế con tin trong vòng 4 ngày và giết chết hàng chục người. Trong số những người thiệt mạng có 10 công dân Nhật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.