Trường đại học tư duy nhất ở Triều Tiên

Văn Khoa
Văn Khoa
20/03/2018 09:31 GMT+7

Ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên đang tồn tại một trường đại học do người nước ngoài điều hành và đào tạo những ngành học “mang tính chất tư bản”.

Ngôi trường mang tên Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST) do Tổ chức Giáo dục và văn hóa Đông Bắc Á, một tổ chức từ thiện ở Hàn Quốc, thành lập hồi tháng 10.2010. Đây là trường tư duy nhất hoạt động ở Triều Tiên và miễn học phí cho sinh viên.
Với hầu hết giảng viên là giáo sư tình nguyện đến từ nhiều nước, PUST đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh về những lĩnh vực như tài chính, quản trị quốc tế, công nghệ thông tin và khoa học đời sống. Theo Yonhap, PUST tuyên bố mục tiêu của mình là “góp phần đưa Triều Tiên đến gần hơn với thế giới cũng như thúc đẩy nền kinh tế tự chủ của nước này”.
Sau khi trải qua vô vàn khó khăn trong thời gian đầu, trường cũng đã đào tạo được 7 khóa và hiện có khoảng 550 sinh viên. “Khi chúng tôi xin giấy phép thành lập, khoảng 90% các lãnh đạo cấp cao đều phản đối vì lo ngại nguy cơ đối với an ninh quốc gia”, Hiệu trưởng Yu-taik Chon, người Mỹ gốc Hàn, cho hay.
Sau đó, dù được phép hoạt động nhưng PUST chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, các giáo sư luôn có người theo sát để “bảo vệ” và thậm chí có một số sinh viên thường xuyên báo cáo cho giới chức những bình luận “độc hại” của giảng viên. Tuy nhiên, các sinh viên dần dần bỏ thái độ cảnh giác và ngày càng gần gũi với các giáo sư hơn. “Cho dù chúng ta đến từ đâu và mang màu da gì, chúng ta đều có chung gia đình là PUST”, Hiệu trưởng Chon trích lời một sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp hồi tháng 3.2017.
Sau nhiều năm xây dựng được niềm tin với sinh viên và chính quyền Bình Nhưỡng, PUST hiện đã trở thành một trong những trường đại học danh tiếng nhất Triều Tiên, thu hút nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông với thành tích cao. “Đây là trường đại học quốc tế duy nhất ở Triều Tiên, đào tạo công nghệ tài chính và quản trị kinh tế theo mô hình của chủ nghĩa tư bản. Những lĩnh vực này không được dạy trong các trường khác”, ông Chon nhấn mạnh. Vị hiệu trưởng cho biết thêm sinh viên PUST được phép tiếp cận internet và có cơ hội học cao học ở châu Âu, Brazil, Trung Quốc và những quốc gia khác.
Bên cạnh đó, nhiều người tốt nghiệp từ PUST đã trở thành chuyên viên trong những lĩnh vực mới mẻ ở Triều Tiên như bảo hiểm và ngân hàng ngoại hối. “Đó là nơi sinh viên của chúng tôi đã đến với kiến thức tài chính hiện đại và được chào đón nồng nhiệt”, ông Chon cho hay.
Những sinh viên khác tốt nghiệp từ PUST thì tiếp tục giảng dạy về tiền tệ, tài chính ở các trường danh tiếng khác như Đại học Kim Il-sung hay Đại học Công nghệ Kim Chaek.
Tuy nhiên, theo Yonhap, PUST lại đang đối diện khó khăn mới sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cấm công dân nước này đến Triều Tiên trong vòng 1 năm, kể từ ngày 1.9.2017, liên quan đến cái chết của Otto Warmbier. Sinh viên người Mỹ này đến Bình Nhưỡng du lịch nhưng bị bắt vào tháng 1.2016 với cáo buộc đánh cắp một áp phích tuyên truyền trong khách sạn và bị kết án tù khổ sai. Đến tháng 6.2017, Warmbier được phóng thích và trả về nước trong tình trạng hôn mê sâu và qua đời không lâu sau đó.
Lệnh cấm nói trên khiến nhiều giáo sư Mỹ, trong đó có ông Chon, không thể đến PUST làm việc. “Tôi không thể đến trường dù là hiệu trưởng và hiện phải ở Trung Quốc làm việc từ xa”, ông nói với Yonhap. Khoảng phân nửa trong tổng số 75 giáo sư của trường là người Mỹ nên từ cuối năm ngoái, nhiều khóa học tại PUST đã được thay thế bằng các lớp dạy tiếng Hoa do giáo viên Trung Quốc đảm trách.
Hiện hiệu trưởng Chon đang đề nghị chính phủ Mỹ cấp quyền miễn trừ đặc biệt để ông có thể tham dự lễ tốt nghiệp vào ngày 28.3 nhưng chưa nhận được phản hồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.