Trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Biden khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ

22/09/2021 00:13 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21.9 đã cố gắng dập tắt những nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của Mỹ sau những cuộc khủng hoảng gần đây trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 21.9 đã có bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại trụ sở của LHQ ở thành phố New York kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.

Ông Biden tuyên bố rằng thế giới đang trong thời điểm thay đổi quan trọng của lịch sử và phải nhanh chóng hợp tác để giải quyết các vấn đề đang nhức nhối như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và vi phạm nhân quyền.

Tổng thống Biden: Mỹ sẽ đứng lên vì các đồng minh và bạn bè của mình

Sự trở lại của nước Mỹ

Mở đầu bài phát biểu, ông Biden nhắc đến những tổn thất to lớn trên toàn thế giới mà đại dịch Covid-19 gây ra, theo CNN.

Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang "mở ra một kỷ nguyên ngoại giao không ngừng" sau khi kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan và Washington sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực "nếu cần thiết". Tuy nhiên, sức mạnh quân sự là "phương án cuối cùng" của Mỹ.

Ông Biden cũng tái khẳng định Mỹ đang lấy lại vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và kiểm soát đại dịch.

Ông kêu gọi các lãnh đạo thế giới đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nói rằng cuộc khủng hoảng này "không có biên giới". Tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ làm việc với quốc hội để tăng gấp đôi nguồn tài trợ giúp các nước đang phát triển chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. Bước này sẽ đáp ứng mục tiêu huy động 100 tỉ USD để hỗ trợ hành động vì khí hậu ở các quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ thực hiện cam kết chi 10 tỉ USD cho nỗ lực "chấm dứt nạn đói và đầu tư vào hệ thống lương thực trong và ngoài nước". Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẽ công bố "thêm các cam kết" về việc ứng phó với Covid-19 khi Nhà Trắng tổ chức hội nghị thượng đỉnh về đại dịch vào ngày 22.9.

Không theo đuổi xung đột

Trong bài phát biểu trước LHQ, ông Biden cho biết Mỹ sẽ theo đuổi các quy tắc mới về thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy bình đẳng để sân chơi không nghiêng về quốc gia nào và gây thiệt hại cho quốc gia khác. Tổng thống Mỹ khẳng định mọi quốc gia đều có quyền và cơ hội cạnh tranh công bằng.

Ông Biden khẳng định Mỹ không tìm cách tái khởi động kỷ nguyên xung đột toàn cầu như thời kỳ bế tắc kéo dài hàng chục năm với Liên Xô. Dù ông Biden không nêu tên Trung Quốc trong bài phát biểu, các nhà quan sát nhận định tổng thống Mỹ đang nói về quan hệ với Trung Quốc.

"Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình để chia sẻ thách thức, ngay cả khi chúng ta có bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác", ông Biden phát biểu.

Tổng thống Biden cũng "dứt khoát" ủng hộ một nhà nước Do Thái độc lập. Tuy vậy, ông tin tưởng vào một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài giữa người Israel và người Palestine.

"Tôi tiếp tục tin rằng giải pháp hai nhà nước là cách tốt nhất để đảm bảo Israel trong tương lai vẫn là một quốc gia Do Thái dân chủ, chung sống hòa bình cùng với một nhà nước Palestine dân chủ, có chủ quyền”, ông Biden phát biểu.

Tổng thống Biden cũng cho biết Mỹ sẽ “hoàn toàn” quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran cũng làm như vậy. Ông Biden nói Mỹ đang "làm việc" với Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức để trao đổi với Iran và tìm cách quay lại thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2018.

Ông Biden đã kết thúc bài phát biểu dài hơn 30 phút của mình trước Đại hội đồng LHQ bằng lời kêu gọi cộng đồng thế giới chung tay xây dựng “một tương lai tốt đẹp hơn”.

Tổng thống Mỹ cũng hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới cùng hợp tác để đánh bại đại dịch, thực hiện các bước hướng tới ngăn chặn đại dịch tiếp theo, chống lại biến đổi khí hậu, củng cố hiến chương LHQ và nhân quyền trên toàn cầu. Đồng thời, ông Biden mong muốn thế giới có thể hợp tác về thương mại, không gian mạng, công nghệ mới và chống khủng bố.

Những phát biểu trên được Tổng thống Biden đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang đối phó với một số cuộc khủng hoảng về chính sách đối ngoại. Những vấn đề này bao gồm căng thẳng với Pháp trong việc thành lập liên minh AUKUS và thỏa thuận hỗ trợ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc, việc rút quân khỏi Afghanistan và việc Mỹ không kích nhầm khiến 10 dân thường Afghanistan thiệt mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.