Trung Quốc nói nhà máy điện hạt nhân vẫn an toàn sau nghi vấn rò rỉ phóng xạ

16/06/2021 08:44 GMT+7

Bắc Kinh ngày 15.6 cho biết mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Quảng Đông, Trung Quốc là bình thường và cơ sở này vẫn đang hoạt động an toàn, South China Morning Post đưa tin.

“Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn có lịch sử hoạt động tốt… Không có bất thường về mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân. Nhà máy này vẫn an toàn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết.

Trung Quốc rất coi trọng an toàn hạt nhân và đã thiết lập hệ thống quy định về an toàn hạt nhân phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Triệu nói thêm.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn và các cơ sở khác ở thị trấn Dương Giang chủ yếu cung cấp cho khách hàng ở tỉnh Quảng Đông.

Ông Triệu đưa ra phát biểu trên sau khi CNN đưa tin công ty Framatome (Pháp) vào tuần trước yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ giúp đỡ để khắc phục sự cố rò rỉ tại nhà máy.

Sau thông tin nhà máy điện hạt nhân rò rỉ phóng xạ, Trung Quốc nói gì?

Framatome, công ty sở hữu 30% cổ phần nhà máy Đài Sơn và giúp đỡ vận hành nhà máy, đã cảnh báo về “mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra”.

Theo thư công ty gửi Bộ Năng lượng Mỹ, cảnh báo có phần cáo buộc cơ quan an toàn Trung Quốc nâng giới hạn mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy nhằm tránh phải đóng cửa. Ngày 14.6, Framatome cho biết công ty này đang giúp giải quyết vấn đề hiệu suất tại nhà máy. Với những dữ liệu thu được, nhà máy này vẫn đang hoạt động trong các thông số an toàn, Framatome nói thêm.

Framatome là công ty con của tập đoàn năng lượng Électricité de France (EDF). Ngày 14.6, EDF cho biết họ yêu cầu tổ chức một cuộc họp đặc biệt trong ban giám đốc để thảo luận vấn đề này với Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), bên sở hữu phần còn lại của nhà máy.

EDF cho biết việc các khí hiếm krypton và xenon tích tụ đã ảnh hưởng đến lò phản ứng số 1 tại nhà máy Đài Sơn. Tuy nhiên, đó là một "hiện tượng không mới, đã được nghiên cứu và cho các quy trình của lò phản ứng".

Điều gây ngạc nhiên là một công ty nước ngoài lại đơn phương tiếp cận chính phủ Mỹ để nhờ hỗ trợ. Trong khi đó, đối tác thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vẫn chưa xác nhận xảy ra sự cố. Các chuyên gia nói Framatome có thể liên hệ với Mỹ vì cần sự trợ giúp từ phía Mỹ nhưng CGN nằm trong danh sách đen của Washington. “Framatome cần chính phủ Mỹ miễn trừ trừng phạt nếu việc khắc phục sự cố có nhân viên và công nghệ Mỹ tham gia”, Lei Yian, phó giáo sư tại trường vật lý của Đại học Bắc Kinh, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.