Trung Quốc tiếp tục xây dựng phi pháp ở Biển Đông

15/12/2017 09:34 GMT+7

Trong lúc mọi chú ý dồn vào tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở phi pháp, bao gồm radar tần số cao trên các đảo chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Trung Quốc xây dựng bồi đắp phi pháp với diện tích 29 hecta tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, theo báo cáo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ). Báo cáo dẫn lại hình ảnh vệ tinh đưa ra kết luận này, theo Reuters.
Báo cáo cho hay trong vài tháng gần đây Trung Quốc đã xây dựng cơ sở được cho là trạm radar tần số cao tại phía bắc đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc xây dựng hoàn tất các đường hầm ở Đá Xu Bi, Trường Sa, có thể được dùng để trữ vũ khí cùng mảng ăngten radar và vòm radar, theo báo cáo.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các công trình ở Đá Vành Khăn (Trường Sa), bao gồm kho chứa vũ dưới lòng đất, nhà chứa máy bay và tên lửa cùng hệ thống radar.
Công trình nhỏ hơn cũng được phát hiện tại quần đảo Hoàng Sa, bao gồm sân bay trực thăng mới và turbine gió trên đảo Cây cùng hai tháp radar trên đảo Tri Tôn. 
Các tàu chiến Mỹ tiến hành các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải thường đi ngang qua đảo Tri Tôn.
Trung Quốc xây trụ sở hành chính và quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và hai lần triển khai lực lượng không quân đến đây.

Vào cuối tháng 10, quân đội Trung Quốc công bố bức ảnh cho thấy chiến đấu cơ J-11B đến đảo Phú Lâm tập trận. Đến này 15.11, AMTI phát hiện máy bay vận tải quân sự Y-8, có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát.
Mỹ và các đồng minh phản đối Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp nhằm quân sự hóa Biển Đông, lo ngại Bắc Kinh đe dọa tự do hàng hải trong khu vực.
Lầu Năm Góc đã tiến hành một số cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông trong năm 2017.
Vào ngày 12.12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhắc lại yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa Biển Đông.
Dù vậy, Mỹ vẫn không muốn làm mất lòng Trung Quốc trong nỗ lực gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.