Trung Quốc tham vọng đe dọa vũ lực chết người để kiểm soát Biển Đông

24/01/2021 06:41 GMT+7

Đó là lo ngại mà giới chuyên gia quốc tế đặt ra khi trả lời Thanh Niên xung quanh việc Trung Quốc vừa thông qua luật hải cảnh mới cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền.

Như Thanh Niên đã thông tin, Trung Quốc ngày 22.1 đã thông qua luật trên và chủ tịch nước này cũng đã ký ban hành luật, có hiệu lực từ ngày 1.2.2021.
Trả lời Thanh Niên, bà Bonnie Glaser, Giám đốc dự án về sức mạnh Trung Quốc - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) phân tích: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng luật hải cảnh mới của nước này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, luật này cho rằng “cần phải bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền hàng hải của Trung Quốc”. Nhưng vì Bắc Kinh đưa ra định nghĩa về chủ quyền, an ninh và quyền hàng hải ở phạm vi rất rộng và vượt khỏi luật pháp quốc tế, nên các nước có lý do để quan ngại về luật hải cảnh mới của Trung Quốc”.

Bước leo thang mới

Ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định luật hải cảnh mới là bước leo thang của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát ở Biển Đông một cách trái với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016.

Bắc Kinh dường như đang tin rằng việc triển khai hải cảnh dưới luật mới
sẽ đủ sức uy hiếp để khiến các nước trong khu vực phải nhượng bộ. Trung Quốc đang muốn thiết lập một bước mới về phạm vi kiểm soát ở Biển Đông

GS John Blaxland

“Luật này thể hiện sự bất chấp ngày càng tăng của Bắc Kinh, khi tự trao quyền có thể nổ súng vào những tàu nước ngoài vô tội mà không quan tâm đến hậu quả từ cộng đồng quốc tế”, cựu đại tá Schuster lo ngại và đánh giá: “Theo cách thức của Bắc Kinh, luật hải cảnh mới cho phép sử dụng vũ lực chết người để áp đặt các yêu sách lên các nước láng giềng và tàu của các nước khác nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đề ra. Luật này có một cụm từ quan trọng là có thể nổ súng “khi cần thiết”. Đây là cách định nghĩa không rõ ràng vì có thể hiểu là “tự vệ” mà cũng có thể hiểu là áp dụng để tàu nước ngoài phải tuân thủ yêu cầu từ tàu hải cảnh Trung Quốc”.

Uy hiếp các nước

Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên, GS John Blaxland (Giám đốc Viện Đông Nam Á - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc) phân tích: “Việc Trung Quốc cho phép hải cảnh nước này nổ súng đã chứng tỏ lời hứa của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, về việc tránh quân sự hóa Biển Đông là không đáng tin. Đây là bằng chứng cho sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh - vốn đã chối bỏ phán quyết của PCA năm 2016. Trung Quốc có thói quen đe dọa, tìm cách kiểm soát để khiến các bên khác phải lùi bước. Đến nay, Bắc Kinh phần nào đã chiếm ưu thế bằng chiêu trò “bất chiến tự nhiên thành”.

13 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát Đài Loan

Trung Quốc tham vọng đe dọa vũ lực chết người để kiểm soát Biển Đông

Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc

Ảnh: PLA

Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết 8 máy bay ném bom H-6K, 4 chiến đấu cơ J-16 và 1 máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc đại lục đã tiến vào phía tây nam Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan vào ngày 23.1, theo Reuters. Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã cảnh báo, yêu cầu các máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực, đồng thời triển khai các hệ thống tên lửa phòng không để giám sát. Đài Loan gọi đây là động thái bất thường vì Trung Quốc thường điều động 1 hoặc 2 máy bay quân sự thực hiện các chuyến bay gần như hằng ngày trên vùng biển giữa khu vực phía nam Đài Loan và quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông trong những tháng gần đây.  
 Phúc Duy
“Bắc Kinh dường như đang tin rằng việc triển khai hải cảnh dưới luật mới sẽ đủ sức uy hiếp để khiến các nước trong khu vực phải nhượng bộ. Trung Quốc đang muốn thiết lập một bước mới về phạm vi kiểm soát ở Biển Đông”, GS Blaxland nhận định.
Qua đó, ông đánh giá: “Tuy nhiên, chính các hành vi trên thúc đẩy các nước bị ảnh hưởng bởi hành vi của Bắc Kinh phải cùng hợp tác. Chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc khiến các nước càng trở nên quyết tâm hơn trong việc đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh”.
Nhận định về giải pháp ứng phó, ông Schuster đề xuất: “Theo tôi, các bên liên quan Biển Đông nên xây dựng lập trường và chính sách thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề với Trung Quốc ở vùng biển này, và sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Rõ ràng, Trung Quốc muốn đàm phán song phương để dễ chiếm ưu thế, nên các nước cần phối hợp để tăng sức mạnh đàm phán”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.