Trung Quốc leo thang khiêu khích ở Biển Đông

30/04/2021 07:55 GMT+7

Việc Trung Quốc điều động tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam đến Biển Đông là bước leo thang khiêu khích mới.

Hôm qua 29.4, truyền thông Đài Loan đưa tin tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam của Trung Quốc ngày 28.4 đã rời cảng ở căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam để tiến vào Biển Đông.

2 lần trong 1 tháng

Tuy nhiên, giới truyền thông không nêu rõ ngoài 2 tàu Sơn Đông và tàu Hải Nam thì còn chiến hạm nào khác tham gia hoạt động lần này hay không, đồng thời cũng chưa có thông tin kế hoạch hoạt động là gì.

Việt Nam bác bỏ quyết định cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc

Ngày 29.4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước thông tin hải cảnh Trung Quốc tuyên bố thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1.5 trên vùng biển có phạm vi bao gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của DOC, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều động tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công xuống Biển Đông vào ngày 28.4, ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: “Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành dựa trên cơ sở của UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, tại các vùng biển được xác lập theo công ước. Việt Nam mong các nước sẽ nỗ lực đóng góp, thực hiện mục tiêu, nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.    
Vũ Hân - Đậu Tiến Đạt

Sơn Đông là tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc dựa trên tàu Liêu Ninh, được bàn giao cho hải quân nước này vào cuối năm 2019. Từ khi được bàn giao đến nay, tàu Sơn Đông đã có 9 lần ra biển và chủ yếu hoạt động gần các căn cứ Đại Liên, Tam Á. Theo một đoạn video do Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) phát đi hồi đầu tháng 4, tàu sân bay Sơn Đông sắp bước vào giai đoạn bắt đầu tham gia các cuộc tập trận và huấn luyện để đạt năng lực hoạt động ban đầu (IOC).
Trong khi đó, tàu đổ bộ tấn công Hải Nam thuộc loại Type 075 vừa được đưa vào biên chế trong buổi lễ ngày 23.4 vừa qua. Có độ choán nước 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9, tàu Type 075 được cho là có khả năng tổ chức đổ bộ tấn công toàn diện. Dự kiến, Bắc Kinh đang kỳ vọng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, để chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp.
Đây là lần thứ 2 Trung Quốc điều động tàu sân bay xuống Biển Đông chỉ trong tháng 4. Trước đó, hồi đầu tháng 4, Trung Quốc đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gồm tổng cộng 6 chiến hạm di chuyển từ biển Hoa Đông, đi qua eo biển giữa đảo chính của quần đảo Okinawa với đảo Miyakojima, rồi tập trận ở vùng biển gần Đài Loan, và tiến vào Biển Đông.

Bắc Kinh khoe sức mạnh hải quân

Trả lời Thanh Niên ngày 29.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng Trung Quốc đang khiêu khích các nước láng giềng. Lần này, Bắc Kinh điều động tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam đến Biển Đông hàm chứa 3 điều đáng quan tâm.
“Thứ nhất, Trung Quốc đang đưa ra tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông nên muốn chứng minh khả năng hiện diện ở vùng biển này. Gần đây, Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ đến Biển Đông, nên động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm “trả đũa” Washington. Thứ hai, Trung Quốc muốn thể hiện tiềm lực sức mạnh hải quân nước này. Thứ ba, tàu sân bay và tàu đổ bộ là vũ khí quan trọng để có thể tấn công Đài Loan và Bắc Kinh muốn thể hiện sức mạnh này với Đài Bắc cũng như các bên”, TS Nagao phân tích.
Qua đó, ông đặt vấn đề: “Việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay Sơn Đông cùng tàu đổ bộ tấn công Hải Nam đến Biển Đông là tin đáng lo cho các nước trong khu vực. Các nước cần hợp tác để ứng phó thách thức”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.