Trung Quốc lạc quan về dịch Covid-19

Khánh An
Khánh An
17/02/2020 07:22 GMT+7

Trung Quốc tuyên bố các biện pháp đối phó dịch Covid-19 bắt đầu có tác dụng, trong khi số ca nhiễm mới đã giảm.

Reuters ngày 16.2 dẫn lời phát ngôn viên Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong cho hay các biện pháp đối phó với dịch Covid-19 bắt đầu đem lại kết quả. Ông cho biết việc tăng cường hỗ trợ y tế và biện pháp phòng ngừa tại tỉnh Hồ Bắc - nơi có tâm dịch là thành phố Vũ Hán - khiến số ca bệnh nặng giảm và tỷ lệ mức độ nặng trong các ca mới chẩn đoán cũng giảm. Bên cạnh đó, các ca bệnh nhẹ cũng được điều trị nhanh chóng hơn, theo ông Mễ.
Trong khi đó, chính quyền Hồ Bắc hôm qua thông báo cấm xe cộ lưu thông trên phạm vi toàn tỉnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới (nCoV) lây lan. Theo thông báo, chỉ có xe cảnh sát, xe cấp cứu, xe chở nhu yếu phẩm và các xe liên quan đến dịch vụ công mới được lưu thông.

[VIDEO] Trung Quốc nói việc kiềm chế virus corona bắt đầu có hiệu quả

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra sức khỏe tất cả người dân trên địa bàn tỉnh, trong khi các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi được chính quyền chấp thuận.

Số ca nhiễm mới giảm

Có ca nhiễm trên du thuyền cập cảng Campuchia


Reuters chiều 16.2 dẫn lời Phó thủ tướng Malaysia Waz Azizah Wan Ismail cho hay xét nghiệm lần 2 đối với nữ du khách 83 tuổi người Mỹ đến Malaysia sau khi rời du thuyền MS Westerdam cập cảng tại Campuchia vẫn cho kết quả dương tính với vi rút Corona chủng mới. Du thuyền cập cảng Sihanoukville hôm 13.2 sau khi bị nhiều nơi từ chối do lo ngại dịch Covid-19. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã đến cảng tặng hoa, bắt tay một số du khách khi họ xuống tàu. Trước đó, giới chức Campuchia và Công ty Holland America Line sở hữu du thuyền kêu gọi Malaysia xem lại sau khi có kết quả xét nghiệm lần đầu đối với nữ du khách trên.
Tính đến tối qua, thế giới có tổng cộng 1.670 ca tử vong, trong đó có 1.665 người ở Trung Quốc đại lục, 5 ca còn lại ở Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Pháp và Đài Loan. Số ca nhiễm nCoV đã lên đến 69.289.

[VIDEO] 1.669 người chết vì dịch Covid-19, ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên tại châu Âu

Theo NHC, số ca nhiễm mới tại Trung Quốc tính đến cuối ngày 15.2 là 2.009, giảm đáng kể so với con số 2.641 ca trong ngày 14.2. Tương ứng, số ca tử vong là 142, giảm 1 ca so với ngày trước đó, chủ yếu tại Hồ Bắc. Tỉnh này cũng ghi nhận số ca nhiễm mới giảm 3 ngày liên tiếp, trong khi số ca mới tại các tỉnh thành khác giảm 12 ngày liên tiếp.
Ngoài Trung Quốc, nơi có số người nhiễm bệnh cao nhất là du thuyền Diamond Princess chở theo 3.700 người neo đậu tại Yokohama (Nhật Bản). AFP hôm qua dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato cho hay cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm 1.219 người, trong đó có 355 người được xác nhận nhiễm nCoV dù 73 người trong số họ không bộc lộ triệu chứng. Số người nhiễm bao gồm 70 ca dương tính trong đợt xét nghiệm mới nhất và tất cả bệnh nhân đều được đưa đến bệnh viện để cách ly và điều trị.

[VIDEO] Số ca nhiễm virus corona gây dịch Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess tăng lên 355

“Dựa trên số ca nhiễm ở mức cao trên du thuyền Diamond Princess, Bộ Y tế Mỹ phân tích thấy các hành khách và nhân viên trên tàu đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao”, theo thư của Đại sứ quán Mỹ gửi cho các công dân có mặt trên tàu và khuyên họ nên đón chuyến bay sơ tán đang được sắp xếp để về Mỹ cách ly theo dõi. Chính quyền Hồng Kông, Canada cũng cho biết sẽ tổ chức chuyến bay sơ tán người dân từ du thuyền.

Tổng lực đối phó dịch

Kêu gọi hiến huyết tương

Theo South China Morning Post, cơ quan chức năng Trung Quốc đang tiếp tục kêu gọi những người hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 hiến huyết tương giúp những bệnh nhân đang được chữa trị. Trước đó, Tập đoàn công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) cho hay huyết tương từ những người này từng được dùng để chữa trị cho khoảng 12 bệnh nhân nặng tại nhiều bệnh viện ở Vũ Hán và đem lại kết quả tích cực, sau khi tiến hành nhiều thử nghiệm an toàn sinh học. Một chuyên gia vi rút học tại Thượng Hải cho biết dù liệu pháp này an toàn và hiệu quả nhưng có hạn chế vì phụ thuộc vào số người bệnh có thể hiến máu. Hơn nữa, các chuyên gia vẫn chưa biết rõ kháng thể sẽ tồn tại ở mức cao trong bao lâu trên cơ thể người bệnh đã phục hồi. Trong khi đó, chuyên gia Amesh Adalja tại Trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ) khuyến cáo nên theo dõi một cách thận trọng vì phương pháp này từng vô hiệu với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Nhằm tăng cường công tác đối phó với dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước nên phòng chống trên quy mô toàn chính phủ vì “đây không chỉ là công việc của các bộ trưởng y tế”. “Cách tiếp cận đó phải chặt chẽ và phối hợp, dựa trên các chứng cứ và ưu tiên sức khỏe công chúng”,

[VIDEO] Cách tự làm khẩu trang chống virus corona chuẩn chuyên gia

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Munich (Đức), ông cho rằng những biện pháp ngăn chặn dịch của Trung Quốc giúp thế giới có thêm thời gian phản ứng, đồng thời ghi nhận rằng chưa có sự lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết chưa thể nói trước về việc dịch bệnh sẽ xoay chuyển theo chiều hướng nào và kêu gọi chính phủ các nước, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông cùng phối hợp để “cảnh báo ở mức độ phù hợp mà không gây hoảng sợ thái quá”.
Liên quan đến công tác đối phó dịch tại Trung Quốc, tờ South China Morning Post hôm qua đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề nghị Bộ Chính trị đối phó với nCoV tại thời điểm gần 2 tuần trước khi cơ quan chức năng nước này xác nhận vi rút lây từ người sang người. Theo bài phát biểu nội bộ, ông Tập đưa ra kế hoạch dự phòng nhằm đối phó với khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người dân mà còn gây nguy hại cho sự ổn định kinh tế - xã hội và thậm chí cả chính sách mở cửa của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.