Trung Quốc 'khai khống' các nước ủng hộ trong vụ kiện Biển Đông

20/06/2016 07:00 GMT+7

Trung Quốc bị phát hiện cố tình “khai khống” khi tuyên bố có đến 60 nước ủng hộ quan điểm nước này về vụ kiện Biển Đông.

Vương quốc Lesotho nằm lọt thỏm trong lòng lục địa đen, và tất nhiên chẳng có dây mơ rễ má gì với cuộc tranh chấp Biển Đông, nhưng đáng ngạc nhiên là quốc gia xa xôi này lại xuất hiện trong danh sách mà Trung Quốc cho là sẽ về phe Bắc Kinh một khi có phán quyết chính thức từ Tòa trọng tài thường trực (PCA), dự kiến vào ngày 7.7.
Vỏn vẹn 8 nước
Sự can dự bất ngờ của Lesotho và những quốc gia nhỏ bé ở cách xa châu Á là kết quả của cuộc vận động chớp nhoáng và ồ ạt do Trung Quốc triển khai nhằm lôi kéo sự ủng hộ trước khi tòa án có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, phản ứng của các “đồng minh” có vẻ hời hợt hơn nhiều so với mong đợi của Bắc Kinh.
Trước tuyên bố của Bắc Kinh là bác bỏ thẩm quyền của tòa quốc tế, Mỹ và các đồng minh, bao gồm các quốc gia trong nhóm G7, hồi tháng trước đã đồng lòng gây sức ép buộc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc phản ứng bằng cách cáo buộc Mỹ đang mưu đồ “bá chủ”, liên tục phản đối PCA trong các bài xã luận trên báo chí trong nước lẫn các trang quảng cáo trên báo chí quốc tế, đồng thời lên tiếng tri ân hàng chục quốc gia mà nước này nói rằng thuận theo “công lý” để ủng hộ chính quyền Bắc Kinh.
Dù không công khai danh sách chính thức, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa con số hơn 40 nước ủng hộ hồi tháng trước, và đến tuần qua giới truyền thông trong nước đẩy lên mức 60. Tuy nhiên, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington (Mỹ), sau khi thống kê các tuyên bố công khai của từng nước, đã khẳng định chỉ có đúng 8 nước lên tiếng ủng hộ quyết định của Trung Quốc, theo đó không công nhận phán quyết của PCA. Danh sách 8 nước này bao gồm: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.
Đặc biệt, trong số các nước mà Trung Quốc nhận vơ là ủng hộ lập trường của họ, có 5 nước công khai phản ứng mạnh mẽ việc “khai khống” của Bắc Kinh. Bắc Kinh cũng dẫn “Tuyên bố Doha” nhằm chứng minh có nhiều nước Ả Rập ủng hộ mình trong một hội nghị diễn ra tại Qatar hồi tháng trước. Thế nhưng, tuyên bố trên chưa từng được công khai, và cả quan chức Qatar lẫn Trung Quốc đều không thể cung cấp bản sao của tuyên bố này. Một quan chức Trung Quốc còn bào chữa rằng họ vẫn đang bận rộn “chuyển ngữ văn bản”.
Danh sách ép uổng
Nga, một thành viên HĐBA LHQ, cũng bị Trung Quốc cho vào danh sách ủng hộ của họ. Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, dù cho rằng không nên quốc tế hóa xung đột khu vực, nhưng Moscow trước nay chưa hề lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện ở PCA.
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, cho hay nhiều nước trên thực tế có vẻ như chọn cách không công khai phản đối Trung Quốc. Việc Bắc Kinh làm mọi cách để lôi kéo những nước khác cho thấy áp lực to lớn mà nước này đang đối mặt. Theo tờ The Wall Street Journal, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến các quốc gia phản đối việc nước này tự tiện liệt kê tên mình vào danh sách, trong đó có Ba Lan.
Chính quyền Warsaw đã lên tiếng phản ứng sau khi Bắc Kinh bất ngờ ra thông cáo báo chí mà không hề nhận được đồng thuận từ hai phía theo sau cuộc hội đàm của các bộ trưởng. Tuyên bố “không phản ánh chính xác quan điểm của Ba Lan về vấn đề Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định, đồng thời nhấn mạnh rằng Warsaw không hề thay đổi ý kiến lâu nay và hoàn toàn thống nhất theo chính sách chung của EU, vốn ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua tòa án quốc tế.
Slovenia, một thành viên khác của EU, và Bosnia & Herzegovina, cũng bác bỏ thông cáo tương tự của Trung Quốc. Điều đáng ngạc nhiên nhất là Bắc Kinh lại gặp khó khăn trong việc giành lấy sự ủng hộ của một số quốc gia nhỏ bé tại Thái Bình Dương, dù rót không ít viện trợ và đầu tư vào những nước này. Hồi tháng 4, Fiji thẳng thừng bác bỏ thông tin của giới truyền thông Trung Quốc rằng Fiji ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Cũng trong tháng 4, khi Trung Quốc tuyên bố đã đạt được “đồng thuận” quan trọng với Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông, những nước này đều im lặng. Các quan chức Lào và Brunei không trả lời câu hỏi từ báo giới về vụ việc, trong khi một phát ngôn viên của chính quyền Campuchia bác bỏ việc Phnom Penh về phe với Trung Quốc. “Chúng tôi chưa từng thay đổi quan điểm”, ông này nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo về quốc phòng ở Philippines ngày 17.6, thẩm phán của tòa án tối cao nước này Antonio Carpio tuyên bố các cường quốc hải quân trên thế giới đã cam kết sẽ thi hành quyết định của tòa án quốc tế trong vụ kiện của Philippines nếu phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn khu vực Biển Đông. Cụ thể, theo ông Carpio, Mỹ và Pháp sẽ tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải để xác lập quyền tự do qua lại tại vùng biển. Pháp cũng sẽ thuyết phục các quốc gia châu Âu khác tiến hành hoạt động này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.