Trung Quốc gia tăng áp lực lên Hàn Quốc

02/12/2013 02:39 GMT+7

Không chỉ tăng cường tập trận ở Hoàng Hải, Trung Quốc còn bị cáo buộc đã yêu cầu hải quân Hàn Quốc tránh xa khu vực.

 
Tàu chiến Trung Quốc tập trận ở Bột Hải, Hoàng Hải - Ảnh: Nhân Dân nhật báo

Tờ JoongAng Ilbo hôm qua dẫn các nguồn tin quân sự cấp cao tiết lộ Trung Quốc đang có ý mở rộng ảnh hưởng quân sự ở vùng biển gần Hàn Quốc và đã yêu cầu hải quân nước này tránh xa vùng hoạt động mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra ở Hoàng Hải. “Đề nghị khiếm nhã” trên được đưa ra trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 7 của Đô đốc Choi Yoon-hee, khi đó còn giữ chức Tham mưu trưởng hải quân Hàn Quốc và hiện là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân nước này.

Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc cùng CHDCND Triều Tiên vạch ra một giới tuyến trên Hoàng Hải, nằm ở vị trí 124 độ kinh đông và xem là phân định biên giới biển giữa hai nước, còn Hàn Quốc thì không công nhận đường này. Đến nay, các nguồn tin từ Seoul cáo buộc Bắc Kinh muốn từ giới tuyến nói trên mở rộng hoạt động và ảnh hưởng xuống phía nam, vượt qua cả Đường giới hạn phía bắc (giới tuyến biển đang tranh cãi giữa hai miền Triều Tiên - NV). Chưa hết, JoongAng Ilbo còn chỉ ra rằng khu vực mà hải quân Trung Quốc đòi “độc quyền” nằm khá gần đảo tiền tiêu Baeknyeong của Hàn Quốc.

Nguồn tin trên tường thuật rõ rằng sau cuộc gặp chính thức giữa phái đoàn 2 nước tại Bắc Kinh vào ngày 11.7, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi bất ngờ mời Đô đốc Choi Yoon-hee ngồi lại nói chuyện riêng. Ông Ngô “than phiền” rằng hải quân Hàn Quốc hoạt động quá gần giới tuyến 124 độ kinh đông, yêu cầu tránh xa và thậm chí còn đòi Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ ở Hoàng Hải. Đáp lại, ông Choi khẳng định Hàn Quốc sẽ không bao giờ thay đổi cách thức hoạt động lâu nay, đặc biệt khi tàu ngầm CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần từng có ý định xâm nhập vùng biển đảo Baeknyeong.

Liên tục tập trận

JoongAng Ilbo dẫn lời giới phân tích cho rằng yêu cầu trên là một phần trong chiến lược mới của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng quân sự trên biển trong toàn khu vực. Chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc Shin In-kyun nhận định: “Lấy cớ phản ứng các cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ, Trung Quốc có thể mở rộng mặt trận ở Hoàng Hải như họ đang muốn làm ở các vùng biển khác”. Mới đây, Tân Văn xã đưa tin giới chức Trung Quốc cấm tất cả tàu dân sự ra vào Bột Hải và Hoàng Hải trong thời gian hải quân nước này tập trận quy mô lớn từ ngày 29.11 - 6.12 nhưng không nói rõ chi tiết. Cách đây khoảng 2 tuần, cũng tại vùng biển này, quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật rầm rộ vào ban đêm với sự tham gia của gần 20 đơn vị tác chiến gồm 5.000 binh sĩ. Các bài diễn tập chú trọng khả năng phối hợp do thám, tấn công đổ bộ và vận tải biển…

 
Bản đồ giới tuyến biển ở Hoàng Hải Ảnh: JoongAng Ilbo  - Đồ họa: Hồng Sơn

Đáng lưu ý là cuộc tập trận mới của Trung Quốc diễn ra vài ngày sau khi nước này từ chối rút lại Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông (ECSADIZ) gây nhiều tranh cãi. Vùng này do Trung Quốc đơn phương lập ra ngày 23.11 chồng lấn với Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc và bao phủ không phận bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu đang tranh chấp giữa hai nước. Theo Yonhap, Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại sâu sắc liên quan đến vấn đề trên và đang cân nhắc mở rộng ADIZ của mình.

Lâu nay, quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc tương đối êm đẹp vì 2 nước có điểm chung là đều bất đồng với Nhật Bản về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, theo giới quan sát, những diễn biến mới cho thấy Seoul cũng đang chịu áp lực lớn do chiến lược gia tăng hoạt động quân sự và lấn át trong khu vực của Bắc Kinh.

ECSADIZ còn để dò xét về biển Đông

Hãng tin CNA dẫn lời giới học giả Đài Loan cho rằng một trong những ý định của Trung Quốc khi thành lập ECSADIZ là nhằm thăm dò phản ứng, “đón gió” cho các hoạt động sắp tới ở biển Đông, có thể bao gồm cả lập một vùng phòng không tương tự tại đây. Bằng chứng là, chỉ 3 ngày sau khi công bố ECSADIZ, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay Liêu Ninh đến biển Đông. “Có thể biển Đông mới là vấn đề thật sự ở đây”, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế ở Đài Loan Ông Minh Hiền nhận định.

Còn chuyên gia Tống Yên Huy tại Viện Nghiên cứu trung ương cho rằng Trung Quốc muốn gửi thông điệp đến Mỹ: “Máy bay quân sự của các ông có thể bay qua ECSADIZ thì chúng tôi có quyền đưa tàu xuống Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông - NV)”. Ngày 29.11, tàu Liêu Ninh đã đến neo đậu tại cảng hải quân ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam trong cái gọi là sứ mệnh nghiên cứu khoa học và huấn luyện ở biển Đông, theo Tân Hoa xã và một số chuyên gia nước này dự đoán tàu có thể trú đóng lâu dài ở Tam Á. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines từng cáo buộc hành động đưa tàu của Trung Quốc gây thêm căng thẳng và vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Liên quan đến ECSADIZ, Bộ Ngoại giao Nhật thông báo Tokyo đã đề nghị Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế LHQ xem xét phân xử hành động của Trung Quốc vì cho rằng có thể đe dọa tới trật tự và an toàn của hàng không dân dụng quốc tế. Mỹ, Úc và Anh đã bày tỏ ủng hộ đề nghị của Nhật, theo hãng tin Jiji Press. 

Minh Trung

Văn Khoa

>> Tàu sân bay Trung Quốc sẽ 'ở lâu dài' tại biển Đông
>> Philippines lo ngại Trung Quốc lập vùng phòng không ở biển Đông
>> Tàu sân bay Liêu Ninh xuống biển Đông
>> Trung Quốc đưa tàu sân bay xuống biển Đông
>> Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 đã vào biển Đông
>> Căng thẳng ở biển Đông có hại cho tất cả
>> Tranh chấp biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp
>> Biển Đông sắp có một cơn bão mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.