Trung Quốc đẩy mạnh vũ khí hạt nhân thách thức Mỹ

23/12/2015 09:30 GMT+7

Trung Quốc lần đầu tiên triển khai tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân cho nhiệm vụ tuần tra, đồng thời thử nghiệm tên lửa liên lục địa phóng từ xe lửa.

Trung Quốc lần đầu tiên triển khai tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân cho nhiệm vụ tuần tra, đồng thời thử nghiệm tên lửa liên lục địa phóng từ xe lửa.

Tàu ngầm tên lửa hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc - Ảnh: Jamestown.orgTàu ngầm tên lửa hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc - Ảnh: Jamestown.org
Theo giới tình báo và chuyên gia phương Tây, trong tháng 12, Trung Quốc liên tục có các động thái nhằm tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân giữa lúc tình hình an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. 
Tờ The Washington Times dẫn lời giới quan sát nhận định điều này không chỉ gây quan ngại cho các láng giềng đang có tranh chấp với Trung Quốc mà cả Mỹ và Nga.
Tên lửa hạt nhân ra Biển Đông ?
Giới chức Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) và Cơ quan Tình báo quốc phòng nước này khẳng định với tờ The Washington Times rằng Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân (SSBN) lớp Tấn cho nhiệm vụ tuần tra chiến lược. 
Washington không nói rõ khu vực tuần tra nhưng Trung Quốc hiện có 4 chiếc SSBN và tất cả đều phục vụ trong Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông. Mỗi SSBN có thể được trang bị 12 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Jl-2 tầm bắn tới 8.000 km.
Theo cựu tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam Daniel Schaeffer, tàu ngầm lớp Tấn vừa lớn vừa ồn nên không đủ kín đáo để có thể điều động từ căn cứ ở Hải Nam đến các khu vực tuần tra mà không bị phát hiện. Vì thế, một trong những ý đồ chiến lược của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là nhằm ngăn chặn tàu Mỹ hay Nhật tiếp cận vùng biển này, từ đó tạo không gian hoạt động cho tàu lớp Tấn. 
Bên cạnh đó, Tư lệnh USSTRATCOM Cecil Haney nhận định động thái mới đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã có thể bổ sung năng lực tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và đồng minh, phục vụ chiến lược chống tiếp cận ngăn chặn các đối thủ tiến vào những khu vực mà Bắc Kinh coi là lợi ích chiến lược. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ hết sức chú ý vì Trung Quốc có thể điều tàu lớp Tấn qua ngả Biển Đông tiến vào Ấn Độ Dương, đe dọa lợi ích chiến lược của New Delhi.
Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng quyết định nói trên còn đánh dấu một thay đổi lớn trong chiến lược hạt nhân của giới lãnh đạo Trung Quốc theo hướng mạo hiểm hơn. Lâu nay, trong thời bình, Bắc Kinh không giao quyền phóng tên lửa hạt nhân cho các chỉ huy tàu ngầm vì lo ngại những sĩ quan hiếu chiến, quá khích có thể phớt lờ quy trình để tự ý ra lệnh tấn công, theo The Washington Times.
Trung Quốc chưa có phản ứng về các thông tin trên nhưng báo cáo mới nhất của Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung thuộc quốc hội Mỹ dẫn lời Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi nhấn mạnh: “SSBN là át chủ bài mang lại niềm tự hào cho chúng tôi và khiến các đối thủ khiếp sợ”.
“Vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất”
Theo tiết lộ của quan chức Mỹ lẫn Trung Quốc với báo mạng The Washington Free Beacon, liên tục trong hai ngày 4 và 5.12, Trung Quốc đã cho thử nghiệm phóng tên lửa liên lục địa DF-41. Được biên tập viên chuyên san The National Interest Zachary Keck đánh giá là vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất của Bắc Kinh, DF-41 mang từ 3 - 10 đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 12.000 - 15.000 km, đủ khả năng vươn tới nhiều khu vực của Mỹ và Nga. Tính từ năm 2012 tới nay, DF-41 được thử nghiệm 6 lần, trong đó có 3 lần diễn ra trong năm nay.
Nội dung thử nghiệm mới nhất xoay quanh việc lắp đặt thiết bị MIRV cho DF-41 cũng như triển khai tên lửa từ bệ phóng gắn trên tàu hỏa. MIRV là thiết bị có chứa nhiều đầu đạn hạt nhân và khi được bắn đi, các đầu đạn sẽ tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau. 
Trong khi đó, đoàn tàu tên lửa bao gồm toa phóng, toa chỉ huy và toa hỗ trợ, toàn bộ đều trông giống như toa tàu chở khách bình thường. 
Theo các chuyên gia quân sự, bệ phóng tên lửa di động trên xe lửa sẽ giúp nâng cao tính cơ động và bí mật, giảm nguy cơ bị phát hiện và đánh phủ đầu. The Washington Free Beacon dẫn nghiên cứu mới về vũ khí châu Á của Đại học Georgetown (Mỹ), Trung Quốc đang cấp tập phát triển hệ thống đường ray và đường hầm phục vụ triển khai tên lửa DF-41 ở miền trung nước này.
Một số nhà quan sát nhận định không chỉ Mỹ mà cả Nga cũng phải lo ngại về DF-41. Quan hệ Nga - Trung đang hết sức tốt đẹp và Moscow không có tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh. Tuy nhiên, giữa 2 nước vẫn còn lấn cấn về đường biên giới trên bộ và Nga chưa khi nào thực sự hết lo ngại về vùng Siberia đất rộng người thưa nằm sát Trung Quốc. Vì thế, việc Bắc Kinh sở hữu một đoàn tàu tên lửa liên lục địa đa đầu đạn cơ động cao chắc chắn khiến Moscow phải “dòm chừng” phía nam, theo The Washington Free Beacon.
Điện hạt nhân Trung Quốc “gây lo ngại”
Trong bài xã luận mới đây, tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) kêu gọi Trung Quốc bảo đảm tuân thủ an toàn và minh bạch hơn về các dự án điện hạt nhân của nước này. 
Theo tờ báo, Trung Quốc hiện có khoảng 30 lò phản ứng đang hoạt động và hướng tới tăng lên đến 110 lò vào năm 2030, trở thành quốc gia có số lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bài viết của Yomiuri Shimbun dẫn lời các chuyên gia quan ngại rằng thông tin về các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc “cực kỳ hạn chế”, chi tiết về tiêu chuẩn quản lý “không được công bố” và giới chức thường che giấu sự cố. “Càng ít thông tin, quan ngại càng lớn”, Yomiuri Shimbun khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.