Trung Quốc có thể dùng bất động sản để phòng thủ trước Mỹ

16/09/2018 09:30 GMT+7

Thị trường bất động sản rộng lớn dường như đang trở thành công cụ phòng thủ hữu ích của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Khu vực từ lâu vốn là nỗi lo cho số phận kinh tế của Trung Quốc giờ đây cũng có thể chứng minh khả năng cứu tinh tạm thời trước áp lực thuế quan từ Washington. Theo Nicole Wong, Giám đốc điều hành nghiên cứu bất động sản tại tập đoàn đầu tư CLSA, giới chức đại lục có khả năng khuyến khích giá bất động sản đang tăng cao để thúc đẩy nền kinh tế.
“Chúng tôi nghĩ chính sách thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đảo ngược bởi vì xung đột thương mại với Mỹ có thể làm biến mất các việc làm trong hạng mục không có kỹ năng. Lĩnh vực bất động sản sẽ là sự thay thế tốt”, bà Wong nói với các phóng viên tại Diễn đàn Nhà đầu tư CLSA hằng năm ở Hồng Kông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm mục tiêu áp thuế lên hàng trăm tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc trong nỗ lực vừa để cân bằng thâm hụt thương mại, vừa gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thay đổi cơ bản các chính sách thương mại và công nghiệp. Bắc Kinh cũng đã trả đũa bằng thuế quan của riêng mình, nhưng thực tế Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ ít hơn nhiều so với chiều ngược lại. Vì vậy, chỉ tập trung trả đũa bằng cách đánh thuế sẽ không phải là hướng đi tốt nhất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thay vào đó họ phải xem xét những phản ứng phi thuế quan khác.
Theo bà Wong tăng giá bất động sản có thể giúp kích thích nền kinh tế theo nhiều cách. Chẳng hạn, khi giá tài sản tăng lên, người dân sẽ tăng tốc mua hàng hóa để đề phòng trước khi giá cả tiếp tục tăng, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong tương lai. Một kết quả tích cực khác trong trường hợp giá nhà đất tăng là tiền tiết kiệm sẽ chuyển ra khỏi ngân hàng và đi vào nền kinh tế thực. Ngành bất động sản bùng nổ cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trong ngành xây dựng. Chưa kể khi nhu cầu về đất của các nhà phát triển bất động sản tăng, chính quyền địa phương có thể sẽ kiếm được nhiều doanh thu hơn từ hoạt động bán đất để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
“Nền kinh tế mới của Trung Quốc là rất lớn, nhưng nền kinh tế cũ mới thực sự là công cụ vĩ mô có thể dự đoán được cho nước này trong những lúc khẩn cấp”, bà Wong nói, đồng thời đề cập sự khác biệt giữa các công ty công nghệ cao như Alibaba và lĩnh vực lâu năm như xây dựng.
Đất đai và nhà ở đã có nhiều thay đổi lớn trong vòng 40 năm qua kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế để giải phóng các lực lượng thị trường. Khi nền kinh tế nước này vươn lên vị trí thứ hai thế giới, nhiều người đã nhận ra ngôi nhà của họ chính là nguồn tài sản quan trọng.
Bà Wong cho rằng người mua tiềm năng hiện ở trong tình trạng tốt vì giá cả đang ở mức phải chăng, cùng với nhiều lựa chọn thế chấp.
“Nhìn chung, thị trường bất động sản Trung Quốc không phải là đòn bẩy. Vì vậy, đây sẽ là lĩnh vực có nhiều thứ để tận dụng”, bà Wong nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.