Trung Quốc chưa từ bỏ ý đồ

Ngọc Mai
Ngọc Mai
17/08/2019 07:30 GMT+7

Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngày 13.8 quay trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam, GS Alexander Vuving cho rằng: Trung Quốc chưa hề từ bỏ ý đồ, bất chấp sự phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế .

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, GS Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) đã đưa ra các nhận định xung quanh việc tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13.8 quay trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Đánh giá về việc tàu Trung Quốc quay lại xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam? Và mục đích là gì?
Việc này cho thấy Trung Quốc chưa hề từ bỏ ý đồ, bất chấp sự phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Rất có thể tàu Hải Dương Địa chất 8 chỉ để tiếp tục chuyến khảo sát đã kéo dài hơn một tháng vừa qua. Các dữ liệu thu thập sẽ được sử dụng để đánh giá trữ lượng dầu khí, khoáng sản dưới lòng biển, trong đó có “băng cháy” mà Trung Quốc thường coi là nhiên liệu của tương lai.
Ngoài ra, dữ liệu thu được cũng sẽ rất có giá trị cho hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Nước này đang phát triển mạnh tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo. Biển Đông là nơi lý tưởng nhất trong các vùng biển xung quanh Trung Quốc cho các tàu ngầm trú ẩn.
Đó là những mục đích kinh tế và kỹ thuật. Còn mục đích chính trị của hành động này là tiếp tục gây sức ép, buộc các nước phải chấp nhận cùng khai thác với Trung Quốc ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, ép ASEAN chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) theo ý Bắc Kinh, và cuối cùng là chấp nhận yêu sách đường lưỡi bò phi lý.
Với tình hình này, Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần làm gì trước cách hành xử của Trung Quốc?
Theo tôi, Việt Nam cần thu thập đầy đủ bằng chứng về các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và đưa ra công khai trước quốc tế. Việt Nam có thể tạo điều kiện cho phóng viên quốc tế tới thực địa trực tiếp lấy thông tin về các hành động vi phạm của Trung Quốc. Đây sẽ là những bằng chứng hùng hồn nhất, có tác dụng mạnh mẽ nhất để buộc Trung Quốc phải chùn bước trong điều kiện hiện nay.
Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014, Việt Nam đã đưa nhà báo quốc tế ra tận nơi chứng kiến. Việc đó góp phần không nhỏ khiến Trung Quốc phải rút giàn khoan về sau hơn 2 tháng hạ đặt trái phép.
Bước leo thang hiện nay của Trung Quốc cho thấy Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần có những bước đi mạnh mẽ hơn. Về lâu dài, cần thiết lập một diễn đàn đa phương giữa các nước có chung lợi ích và quan điểm ở Biển Đông, nhằm ngăn chặn nguy cơ hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc

Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông

Từ lúc 0 giờ ngày mai 18.8 đến khuya 20.8, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận ở Biển Đông, theo thông báo trên website của Cục Hải sự Hải Nam thuộc nước này.
Các tọa độ giới hạn khu vực tập trận được công bố cho thấy địa điểm nằm phía đông nam đảo Hải Nam và gần khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước đó, quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại vùng biển gần đảo Hải Nam từ ngày 12 - 14.8. Bắc Kinh không nói rõ số lượng binh sĩ cũng như khí tài tham gia 2 cuộc tập trận.
Trong một diễn biến liên quan, Philippines bày tỏ quan ngại về sự hiện diện không thông báo của 5 tàu chiến Trung Quốc ở eo biển Sibutu thuộc tỉnh Tawi-Tawi vào các ngày 2.7 và 4.8. Tờ The Philippine Star hôm qua dẫn lời phát ngôn viên quân đội Philippines Edgard Arevalo cho hay sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc có thể bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia vì chúng có thể đang tiến hành giám sát biển và những hoạt động khác.
Ngoài ra, phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines Salvador Panelo khẳng định sự hiện diện của chiến hạm Trung Quốc ở vùng biển Philippines mà không có bất kỳ sự phối hợp nào với chính quyền Manila “không phải là hành động của tình hữu nghị”.
Văn Khoa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.