Trump - Biden: Hai tầm nhìn trái ngược về kinh tế Mỹ

04/10/2020 14:44 GMT+7

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden muốn tăng thuế doanh nghiệp, trong khi Tổng thống Donald Trump đề xuất giảm. Một bên tiếp tục theo đuổi thương chiến với Trung Quốc còn đối thủ muốn xoa dịu căng thẳng.

Tổng thống Trump và ông Biden đưa ra tầm nhìn trái ngược nhau về chính sách cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trước thềm cuộc bầu cử ngày 3.11, theo AFP. Cựu phó tổng thống Biden hướng đến người dân có thu nhập thấp, tăng thuế người giàu và công ty lớn, cùng một số chính sách tương tự như dưới thời chính phủ tổng thống Barack Obama.
"Kế hoạch của ông Biden là mở rộng các chương trình xã hội hiện có. Ngược lại, Tổng thống Trump dự kiến sẽ mở rộng chính sách kinh tế mà chính phủ ông theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên”, chuyên gia John Ricco tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) nói với AFP.

Ông Biden nhắm đến người thu nhập thấp, ông Trump ưu tiên doanh nghiệp

Điểm chung duy nhất của hai đối thủ là đều hứa hẹn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Ứng viên Biden vạch ra kế hoạch tạo ra nhiều việc làm thông qua gói ngân sách 4,1 nghìn tỉ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và cải tiến việc sử dụng năng lượng sạch.
Ông Biden cho biết gói ngân sách 4,1 nghìn tỉ USD có được là nhờ vào kế hoạch tăng thuế từ 21% lên 28% đối với doanh nghiệp lớn và người giàu (thu nhập trên 400.000 USD/năm) trong vòng 1 thập niên tới.
Trong khi đó, ông Trump tuyên bố đã khôi phục cái mà ông gọi là "nền kinh tế vĩ đại nhất lịch sử" trong nhiệm kỳ đầu tiên với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất trong vòng 50 năm qua trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra đã gạt bỏ hầu như tất cả thành tựu của ông Trump vì hàng triệu người Mỹ mất việc làm kể từ tháng 3.2020. Mặt khác, đảng Dân chủ cho rằng chính sách kinh tế giảm thuế cho doanh nghiệp của ông Trump chỉ có lợi cho các công ty lớn cùng người giàu có.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri đang đứng về phía ông Biden giữa lúc nước Mỹ vật lộn với đại dịch Covid-19, đến nay làm chết hơn 209.000 người, cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc nhập viện điều trị Covid-19 làm ảnh hưởng đến chiến dịch vận động tái tranh cử của tổng thống thuộc đảng Cộng hòa ngay trước thềm cuộc bầu cử ngày 3.11.
Trong một báo cáo, hai chuyên gia kinh tế Mark Zandi và Bernard Yaros của hãng xếp hạng tín dụng Moody's đánh giá: “Tầm nhìn của ông Biden nhắm đến người thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu với hóa đơn thuế sẽ được giữ nguyên nhưng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc chính phủ tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế, nhà ở, cùng các chương trình phúc lợi xã hội khác”.
Trái lại, nếu ông Trump tái đắc cử thì nước Mỹ có thể sẽ chứng kiến việc gia hạn chính sách giảm thuế doanh nghiệp vốn đã được Quốc hội thông qua hồi năm 2017, nhưng “lợi ích phần lớn thuộc về hộ gia đình, doanh nghiệp có thu nhập cao, trong khi chính phủ thu hẹp chi tiêu ngân sách cho y tế cùng hàng loạt chương trình phúc lợi xã hội khác", theo báo cáo của Moody's.

Chính sách kinh tế phụ thuộc vào đảng nào kiểm soát quốc hội

Sau bầu cử, hai ứng cử viên có thể thực hiện cam kết của mình về chính sách kinh tế hay không sẽ phụ thuộc vào việc đảng nào kiểm soát đa số tại Quốc hội. Hiện Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát,  còn đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện.
Các chuyên gia của Moody's dự đoán nếu đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Quốc hội và Nhà Trắng thì sớm nhất là ngay sau quý II năm 2022, tỷ lệ người dân Mỹ có việc làm có thể khôi phục tương đương trước đại dịch. Tỷ lệ này chỉ được khôi phục vào đầu năm 2024 đối với đảng Cộng hòa.

Doanh nghiệp theo dõi sát sao

Tuy phần lớn chính sách kinh tế của hai ứng viên nhằm lấy lòng từng cử tri Mỹ nhưng các doanh nghiệp theo dõi sát sao cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề thương mại, nhất là Trung Quốc.
Ông Trump theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc kể từ năm 2018 đến nay. Trong tháng 9.2020, khoảng 3.500 công ty Mỹ bao gồm Tesla, Ford Motor, Target, Walgreen và Home Depot đã kiện chính phủ Tổng thống Trump, phản đối việc Washington áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Các đơn kiện phản đối chính phủ làm “leo thang bất hợp pháp” cuộc chiến thương mại, gây tác động tiêu cực đến hàng tỉ USD hàng hóa do những doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu đắc cử, ông Biden có thể đảo ngược những chính sách của ông Trump, nhưng khó có thể thay đổi hoàn toàn. Tầm nhìn cả hai ứng cử viên Trump và Biden đều khiến nhiều doanh nghiệp trở nên hoài nghi hơn về thương mại tự do, các chuyên gia nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.