'Trùm taxi công nghệ' Trung Quốc dính đòn sau cú IPO tại Mỹ

05/07/2021 14:58 GMT+7

Cơ quan quản lý Trung Quốc đã thông báo mở một cuộc điều tra an ninh với “gã khổng lồ” gọi xe công nghệ DiDi chỉ sau 2 ngày công ty công bố đợt IPO đầu tiên tại Mỹ.

Cơ quan chức năng Trung Quốc cuối tuần qua ra lệnh gỡ bỏ ứng dụng gọi xe công nghệ Didi khỏi toàn bộ kho ứng dụng dành cho điện thoại thông minh với cáo buộc Didi thu thập trái phép dữ liệu cá nhân của người dùng, theo Reuters.

Bị trừng phạt vì 'thân Mỹ' ? 

Quyết định được đưa ra sau khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 2.7 thông báo điều tra Didi nhằm “bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia, duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích công cộng”.
Người dùng mới không được phép đăng ký sử dụng Didi trong quá trình điều tra trong khi những người dùng hiện tại không bị ảnh hưởng.

Trung Quốc cấm ứng dụng gọi xe lớn nhất nước Didi

Cuộc điều tra diễn ra ngay sau khi Didi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán New York.
Cuộc điều tra của DiDi được cho là nằm trong chiến dịch quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc nhắm vào việc kiểm soát dữ liệu của các công ty công nghệ lớn. DiDi nằm trong 34 công ty công nghệ bị cơ quan chống độc quyền Trung Quốc triệu tập hồi tháng 4. Trước đó, Ant Group của tỉ phú Jack Ma cũng đã từng phải huỷ bỏ đợt IPO đầu tiên do bị cơ quan quản lý “sờ gáy” về hành vi độc quyền.
Sau khi CAC thông báo điều tra, một lãnh đạo cấp cao của Didi tuyên bố công ty hiện đang lưu trữ tất cả dữ liệu về người dùng Trung Quốc và đường xá tại các máy chủ ở Trung Quốc và tuyệt đối không có việc chuyển dữ liệu cho Mỹ. Công ty cũng đe dọa sẽ khởi kiện bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cho rằng Didi đã chuyển dữ liệu trong đợt IPO gần đây.

Thiệt hại lớn

Trong thông báo ngày 5.7, Didi cho rằng quyết định xóa ứng dụng Didi khỏi các kho ứng dụng tại Trung Quốc sẽ gây thiệt hại nặng cho doanh thu của công ty. Mặt khác, cú đòn này có thể tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh giành thị phần. Theo một số phân tích, DiDi có thể mất tới 6 triệu khách hàng tiềm năng tại Trung Quốc.
Trước đó, DiDi đã từng phải đối mặt với những chỉ trích ở Trung Quốc về việc xử lý dữ liệu người dùng. Vào năm 2018, công ty đã phải thắt chặt các điều khoản riêng tư đối với khách hàng và tài xế sau sự cố hành khách nữ bị tài xế nam của Didi giết chết.
Sau tuyên bố điều tra hôm 2.7, cổ phiếu của Didi đã giảm 5,3% khiến các nhà đầu tư lo lắng. Một nhà đầu tư cho biết trong một đợt sụt giảm cổ phiếu điển hình, nhà đầu tư thường sẽ mua thêm cổ phiếu để tích trữ. Tuy nhiên, khi họ không dự đoán được thời gian điều tra, quyết định đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.
DiDi là một công ty gọi xe công nghệ được thành lập vào năm 2012 bởi Will Cheng (Trình Duy), người từng là nhân viên bán hàng của Alibaba. Kể từ khi thành lập, công ty đã nỗ lực tăng khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường nhờ khoản đầu tư 15 triệu USD của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent.
Trong những năm tiếp theo, DiDi đã huy động được hơn 23 tỉ USD từ các công ty lớn như Goldman Sachs, JP Morgan và Softbank. Những khoản tài trợ này đã giúp Didi có mặt tại 400 thành phố, 15 quốc gia và có 490 triệu người dùng toàn cầu. Đợt IPO vào ngày 30.6 vừa qua, công ty đã huy động được 4,4 tỉ USD và chào sàn với mức 14 USD một cổ phiếu, đưa định giá công ty lên đến 73 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.