Trong "vùng phủ sóng" của hải tặc Somali

17/09/2005 19:12 GMT+7

Cùng với eo biển Malacca ở Đông Nam Á, vùng lãnh hải Somali là nơi các đội quân cướp biển hoạt động dữ dội nhất. "Nếu muốn an toàn, hãy ở cách xa bờ biển Somali ít nhất 85km", đó là lời cảnh báo của Văn phòng Hàng hải quốc tế.

"Biển chết" Somali

Ngày 15/8, khi 3 tàu đánh cá Đài Loan đang lướt trên vùng biển gần cảng Kismayo ở phía Nam Somali, hung thần biển cả đã xuất hiện. Hung thần đó là những tay súng châu Phi cưỡi trên thuyền cao tốc. Sau một hồi nổ súng loạn xạ để thị uy, chúng cướp tàu và bắt cóc toàn bộ 48 thuyền viên, trong đó có 4 người Việt Nam. Ban đầu, số tiền chuộc mà bọn hải tặc yêu cầu đối với mỗi chiếc tàu cùng đội ngũ thuyền viên là 500.000 USD. Sau đó, thông qua một nhà đàm phán Malaysia, chúng giảm xuống còn 50.000 USD.

Vào ngày 27/6, chiếc tàu MV Semlow chở 850 tấn gạo cứu trợ các nạn nhân sóng thần của Liên Hiệp Quốc rời cảng Monbasa ở Kenya để tiến tới Bossaso ở Đông Bắc Somali. Khi vừa vào vùng biển miền Trung Somali, MV Semlow đã lọt vào tầm ngắm của hải tặc. Những chiếc thuyền cao tốc đột nhiên xuất hiện như từ dưới nước ngoi lên, những tên cướp biển với tiểu liên gọn nhẹ la hét om sòm rồi trói gô tất cả 10 thủy thủ lại. Màn tấn công kết thúc và sau đó yêu cầu về tiền chuộc được gửi đi. Ngày 28/6, bọn cướp biển cho viên thuyền trưởng gọi điện về Mokatu Shipping Agency - công ty của Kenya đã cho LHQ thuê chiếc MV Semlow. "Bọn chúng đòi 500.000 USD", Giám đốc Inayet Kudrati của Mokatu Shipping Agency thuật lại: "Khi tôi hỏi rằng: "Tại sao các anh lại bắt cóc một con tàu chở hàng tới cứu dân Somali?", chúng liền cúp máy". Các quan chức LHQ đã kêu gọi nhà chức trách Somali can thiệp để thả chiếc tàu ngay lập tức nhưng bất thành bởi trên thực tế, Somali chẳng có nhà chức trách thực thụ nào cả. Đến ngày 17/8, có tin bọn hải tặc bắt đầu lấy hàng hóa khỏi chiếc MV Semlow.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ tấn công của hải tặc xảy ra tại vùng biển Somali những năm gần đây. Tình hình nghiêm trọng đến mức Văn phòng Hàng hải quốc tế (IMB) đã không ngừng cảnh báo: "Tàu thuyền đi qua vùng vịnh Aden thuộc lãnh hải Somali cần cảnh giác đặc biệt. Tại khu vực này, bọn hải tặc thường dùng tàu cao tốc và các loại vũ khí hạng nặng tấn công". Thông điệp trên của IMB dường như chưa đủ để diễn tả sự rùng rợn của khu vực được gọi nôm na là "biển chết" này.

Vịnh Aden (phía trên) và vùng biển Somali là thiên đường của hải tặc. Ảnh: Acig.org

Bạo lực từ trên bờ tràn xuống

Trong gần 15 năm qua, cùng với làn sóng bạo lực trên đất liền, mặt biển Somali cũng không ngừng dậy sóng. Sau những cuộc chiến liên miên, các tay súng thường mò xuống biển để kiếm chác. Các đạo quân hải tặc ở đây không đơn thuần là những băng đảng tội phạm, đôi khi chúng là những kẻ tập hợp lại dưới trướng một tù trưởng chiến tranh hoặc một quan chức thoái hóa.

Thông thường, bọn hải tặc đều thực hiện theo một kịch bản quen thuộc: tấn công, bắt cóc người và giữ tàu để đòi tiền chuộc. Khi không đòi được tiền, chúng bắt đầu thanh lý "chiến lợi phẩm". Tình trạng vô chính phủ kể từ năm 1991 đã khiến Somali trở thành một trong những nơi bất an nhất thế giới. Tại đất nước này, súng ống được bán khắp nơi và khi hứng chí hoặc nổi giận, người ta có thể xả đạn lên trời hoặc nhằm thẳng vào một ai đó. Tại đất nước này, pháp luật là một điều xa xỉ. Tồi tệ hơn, đôi khi pháp luật cũng đồng nghĩa với ý chí của các thủ lĩnh băng đảng, các phe phái chiến tranh. Câu chuyện về số phận con tàu MV Semlow là một ví dụ điển hình.

Sau khi đòi tiền chuộc bất thành, một thủ lĩnh quân sự tên Mohamed Sheikh Ali, người tự xưng là ủy viên hội đồng một quận ở miền Trung Somali, tuyên bố sẽ đưa 10 thủy thủ tàu MV Semlow ra tòa. Lý do? Theo giải thích của Ali thì chiếc tàu này đã xâm nhập trái phép vào lãnh hải Somali và thải hóa chất bừa bãi xuống biển. "Luật pháp Somali là cơ sở để chúng tôi bắt giữ chiếc tàu. Chính quyền quận Haradere (do Ali đứng đầu) phải ngăn chặn con tàu để bảo vệ ngư trường", Ali tuyên bố. Tuy nhiên, vị thủ lĩnh này chẳng hề cho biết chiếc tàu đã vi phạm luật gì cũng như không giải thích thêm về tiến trình xét xử. Trên thực tế, do Somali không có một chính phủ thực thụ, nên khái niệm "luật pháp" cũng rất mơ hồ và vụ xét xử mà Ali dọa dẫm kia có thể chỉ là một sự mặc cả mà thôi.

Trong khi đám hải tặc bắt giữ tàu MV Semlow do một kẻ tên là Mohamed Abdi Afweyne cầm đầu tiếp tục yêu cầu tiền chuộc thì đại diện của LHQ thông qua các nhà trung gian vẫn dùng giải pháp kêu gọi, họ đề nghị những kẻ bắt giữ hãy trả lại tàu, hàng hóa và người. LHQ nói rằng số hàng trên sẽ được dùng cứu tế cho dân tại miền Trung Somali. Tuy nhiên, cả Ali lẫn Afweyne đều nói rằng nỗ lực của LHQ là vô ích. "Nỗ lực đàm phán vừa qua của họ chỉ tổ tốn thời gian. Họ cần phải nói chuyện với người dân vùng Haradere để biết dân ở đây cần gì, từ đó sẽ tìm ra được giải pháp", Ali nói. Người dân tại Haradere cần gì thì không ai biết, nhưng rõ ràng những kẻ bắt cóc con tàu cần tiền. Bằng chứng là chúng đã nhiều lần yêu cầu tiền chuộc. Bản thân Ali cũng vậy, ông ta có vẻ như đang ra giá với chủ con tàu. Vì thế, có thể thấy việc khoác lên mình tấm áo "đại diện cho nhân dân Haradere" rõ ràng chỉ là một màn kịch để Ali hợp pháp hóa hoạt động hải tặc mà thôi.

Chiến dịch tiễu trừ giặc biển

Tình trạng vô chính phủ kéo dài hơn 10 năm qua đã biến Somali thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố nảy mầm. Theo giới chức an ninh Mỹ, các tay súng cực đoan khi không còn đất sống tại Afghanistan, Iraq... đã tìm đường đến Somali. Trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đặc biệt chú trọng điểm nóng Somali và tại đất nước này, việc tiễu trừ các toán cướp biển cũng là một phần của chiến dịch chống khủng bố.

Bạo lực trên đất liền đã tràn xuống biển. Ảnh: Middle East Online

Năm 2002, hải quân Anh đã gửi tàu khu trục HMS Cumberland, máy bay trực thăng cùng các tay súng thiện xạ tới cảng Bossasso ở miền Đông Bắc Somali khi có tin một tàu thương mại của họ bị hải tặc tấn công. Kể từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, một đội tàu chiến quốc tế đã được thành lập để tuần tra vùng vịnh Aden và một số khu vực "nhạy cảm" ở Biển Đỏ, Ấn Độ Dương, trong đó có lãnh hải Somali. Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cũng siết chặt an ninh cả ở đất liền lẫn trên mặt biển nước này.

Tuy nhiên, những đội tàu chiến hùng mạnh đôi khi không đủ để dẹp hải tặc. Bởi vì là dân địa phương, bọn cướp thuộc lòng từng mét vuông tại biển Somali. Khi đụng tàu tuần tra, chúng dễ dàng biến thành những ngư dân hiền lành, chỉ đến khi gặp những con mồi không có khả năng chống đỡ, sự ghê gớm của chúng mới hiện hình. Những chiếc thuyền cao tốc rất gọn nhẹ giúp bọn hải tặc thoắt ẩn, thoắt hiện, rất khó kiểm soát đối với hệ thống ra-đa của tàu quân sự quốc tế. Cuộc chiến chống hải tặc tại vùng biển Somali vì thế không thu được nhiều kết quả khả quan. Trong những năm gần đây, những toán cướp biển vẫn không ngừng tung hoành ngang dọc, biến mặt biển phía Đông châu Phi trở thành một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới. Sau những gì đã xảy ra, có thể thấy rằng, chừng nào tình trạng vô chính phủ còn tiếp diễn tại Somali thì nạn cướp biển vẫn không ngừng sinh sôi. Chỉ đến khi một chính phủ thực thụ với nền chính trị lành mạnh được hình thành, an ninh mới có điều kiện lan tỏa và cướp biển sẽ không còn chốn dung thân.

Đỗ Hùng
(BBC, Mail & Guardian, AllAfrica)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.