Dân châu Á vẫn lạc quan chi tiêu bất chấp căng thẳng thương mại toàn cầu

06/09/2018 20:30 GMT+7

Mặc dù có một số khó khăn nhất định, nhưng diễn tiến chung về sự tăng trưởng chi tiêu liên tục ở châu Á dường như không thay đổi đáng kể.

Chi tiêu tiêu dùng ở châu Á, với sự thúc đẩy lớn từ Trung Quốc, là động lực kinh tế ngày càng quan trọng đối với khu vực. Tuy nhiên, khi môi trường thương mại đang có xu hướng kém ổn định và xung đột thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang, thì liệu động lực kinh tế quan trọng đó còn có thể tiếp tục được nữa hay không?
Theo một số nhà chiến lược và đầu tư, mặc dù có những va chạm tiềm ẩn trên đường, nhưng phần lớn đều tin rằng cơn bão thương mại toàn cầu sẽ không thay đổi triển vọng chi tiêu tiêu dùng tích cực của châu Á.
CNBC dẫn báo cáo được Daiwa Capital Markets, hãng dịch vụ tài chính tích hợp ở Hồng Kông, công bố hôm 3.9 cho biết, xu hướng chi tiêu tiêu dùng ở khu vực chiếm 60% dân số thế giới về tổng thể vẫn tươi sáng. Sự lạc quan này được thúc đẩy bởi các yếu tố như dân số tương đối trẻ và đang phát triển, tầng lớp trung lưu mở rộng và mức độ giàu có gia tăng.
“Sức tiêu thụ có thể sẽ là chủ đề kinh tế chủ đạo ở châu Á trong vài thập niên tới bởi dân số mở rộng và thu nhập tư nhân tăng. Theo quan điểm của chúng tôi, những hạn chế được sinh ra do tâm lý bảo hộ mới và thắt chặt thanh khoản toàn cầu trong ngắn hạn sẽ không có khả năng làm giảm xu hướng tăng tiêu dùng ở châu Á”, Paul M. Kitney, nhà chiến lược về nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của Daiwa Capital Markets, viết.
Karine Hirn, đối tác của công ty quản lý tài sản East Capital ở Hồng Kông, cũng cho rằng châu Á vẫn là một đề xuất tiêu dùng hấp dẫn, với những mặt tích cực về nhân khẩu học và sức mua tăng. Mặc dù thuế quan có thể tác động đến giá tiêu dùng và lạm phát, nhưng bản thân thương mại sẽ tiếp tục và chi tiêu tiêu dùng châu Á có khả năng tránh được sự gián đoạn lớn.
“Hành động chính sách”
Nhìn chung, châu Á là khu vực “khá miễn dịch” đối với bất kỳ tổn thương nào từ những đợt thuế quan đang diễn ra, bà Hirn nói với CNBC hôm 5.9. Song, phía Daiwa Capital Markets lại lưu ý rằng, rủi ro thương mại có thể tạo ra một số tác động tiêu cực, đặc biệt chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó châu Á đóng vai trò quan trọng, sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.
“Điều đó có thể làm giảm tăng trưởng thu nhập cá nhân và sự tin tưởng của người tiêu dùng, dẫn đến giảm chi tiêu tư nhân”, Daiwa Capital Markets cảnh báo.
Trong những năm gần đây, chi tiêu tiêu dùng ở châu Á đã được thúc đẩy bởi một thế giới tràn ngập thanh khoản sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập niên. Các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã có chính sách cởi mở khi tín dụng bị ngưng lại sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers cách đây 10 năm.
Theo Daiwa Capital Markets, dù một số nước ở châu Á thực hiện chính sách “thắt chặt biên độ” khi Fed tăng lãi suất trong vài năm gần đây, nhưng môi trường chính sách tiền tệ tổng thể của khu vực vẫn còn lỏng lẻo.
“Nếu điều kiện thanh khoản toàn cầu thắt chặt hơn dự kiến, nền kinh tế châu Á có khả năng sẽ thấy dòng vốn chảy ra, kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát gia tăng”, trích báo cáo của Daiwa Capital Markets.
Tình hình trên có thể khiến các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu. Và đó sẽ là vấn đề đặc biệt đối với Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Thái Lan.
Tuy nhiên, Daiwa Capital Markets và những chuyên gia khác cũng nhấn mạnh rằng giới chức trách ở châu Á sẵn sàng đưa ra biện pháp kích thích để tránh bất kỳ sự suy thoái lớn nào.
“Dựa trên quan điểm của chúng tôi, sự yếu kém gần đây trong tiêu dùng nội địa Trung Quốc có thể thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ”, UBS, ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết trong một báo cáo hôm 4.9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.