Tranh cãi về số phận Hồng Kông sau năm 2047

16/03/2016 16:48 GMT+7

Đang có một cuộc tranh cãi về sự tự trị của Hồng Kông sau 50 năm thành phố này được Anh trả về cho Trung Quốc (1997 - 2047).

Đang có một cuộc tranh cãi về sự tự trị của Hồng Kông sau 50 năm thành phố này được Anh trả về cho Trung Quốc (1997 - 2047).

Sinh viên Hồng Kông trong một cuộc bãi khóa đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu cho người dân Hồng Kông - Ảnh: ReutersSinh viên Hồng Kông trong một cuộc bãi khóa đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu cho người dân Hồng Kông - Ảnh: Reuters
Đại học Hồng Kông (HKU) là xuất phát điểm của cuộc tranh cãi này với bài báo có tựa đề Tuyên bố của người trẻ về Hồng Kông đăng trên số mới nhất của Undergrad, tạp chí thuộc đại học danh tiếng ở đặc khu hành chính này. Bài báo đòi quyền tự trị cho Hồng Kông khi nói rằng thành phố này là vùng đất có “chủ quyền” được Liên Hiệp Quốc công nhận; vì vậy, Hồng Kông có quyền tuyên bố độc lập sau 50 năm được trả về cho Trung Quốc.
"Mặc dù Hồng Kông chưa có điều kiện để trở thành độc lập nhưng đó không phải là mối quan tâm chính của chúng tôi, mà là Hồng Kông có nên trở thành độc lập hay không", South China Morning Post dẫn lại bài báo trên Undergrad.
Sau khi được trả về cho Trung Quốc, Hồng Kông được duy trì "sự tự trị ở mức độ cao" cho đến năm 2047. Dù số phận Hồng Kông sẽ được quyết định sau hơn 30 năm nữa, nhưng giới trẻ Hồng Kông cho rằng sự phụ thuộc của thành phố này vào đại lục theo thời gian sẽ làm lu mờ sự tự trị mà hiện nay họ đang hưởng; vì vậy vấn đề số phận Hồng Kông sau năm 2047 phải được bàn luận ngay bây giờ.
Ngoài việc độc lập, bài báo còn cho rằng Hồng Kông cần có một chính quyền dân chủ được thành lập sau năm 2047 và một hiến pháp của riêng thành phố này. Bài báo của các sinh viên cũng lên án chính quyền làm "con rối" cho đảng Cộng sản TQ, góp phần làm "suy yếu" quyền tự trị của Hồng Kông.
"Tương lai Hồng Kông do người Hồng Kông quyết định"
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh - Ảnh: Reuters

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm 15.3 đã phủ nhận những gì được viết trong bài báo. Ông Lương nói rằng Bắc Kinh hứa duy trì hệ thống “tư bản” cho Hồng Kông đến năm 2047. "Hồng Kông là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, và điều này vẫn là một thực tế, không thay đổi sau năm 2047", ông Lương phát biểu.

Trong bài phát biểu của mình hồi năm 2015, người đứng đầu đặc khu này từng chỉ trích những bài báo của sinh viên bàn về sự độc lập của Hồng Kông. Những người trung thành với Bắc Kinh cũng đả kích tư tưởng này của sinh viên.
Chủ tịch Hội đồng Đại học Hồng Kông Arthur Li Kwok-cheung cho rằng ý tưởng độc lập của sinh viên trong trường là vô nghĩa: "Tôi không nghĩ có bất kỳ người khôn ngoan nào muốn lắng nghe họ (sinh viên). Nước và thực phẩm của chúng ta đang dùng từ đâu đến? Tương lai của Hồng Kông sẽ rất tốt - đó là một nơi an lành ", ông Li nói, ám chỉ Trung Quốc đại lục.
Không chấp nhận với những phát biểu trên, Marcus Lau Yee-ching, biên tập viên của Undergrad, lập luận rằng "chỉ người Hồng Kông mới có thể quyết định tương lai của Hồng Kông".
Ông Ivan Choy Chi-keung, một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho rằng những lời kêu gọi độc lập là "sự tiến bộ tự nhiên" trong nền chính trị của Hồng Kông trong khi chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần từ chối quyền tự trị cho thành phố này. "Nhiều người trẻ đang thất vọng về cải cách chính trị và cả việc bầu cử phổ thông đầu phiếu", ông Choy nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.