Tranh cãi về quan hệ giữa Nelson Mandela với Israel

27/12/2013 09:00 GMT+7

Tài liệu lưu trữ vừa được Israel công bố cho thấy mật vụ nước này từng huấn luyện Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela vào thập niên 1960, nhưng Quỹ Nelson Mandela đã bác bỏ thông tin vừa nêu.

 
Ông Nelson Mandela phát biểu trong một cuộc họp của đảng ANC - Ảnh: AFP

Theo báo Anh The Guardian, thông tin trên xuất phát từ một bức thư mật do Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) gửi cho Bộ Ngoại giao nước này cách đây hơn 50 năm. Bức thư được giải mật chỉ vài tuần sau khi Nam Phi chia tay vĩnh viễn nhà lãnh đạo mà tên tuổi gắn liền với cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc (apartheid).

“Qua mặt” Mossad

Bức thư trên tiết lộ việc huấn luyện cho ông Mandela được tiến hành vào năm 1962, khi ông rời Nam Phi để vận động lãnh đạo các nước châu Phi khác hỗ trợ tài chính và quân sự cho đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) trong cuộc đấu tranh chống chính phủ da trắng cầm quyền tại Nam Phi.

Ở Ethiopia, ông đã chủ động liên hệ với Đại sứ quán Israel tại đây. Bức thư đề ngày 11.10.1962 tiết lộ ông Mandela được huấn luyện quân sự và nhận vũ khí để chiến đấu chống nhà cầm quyền Nam Phi. Tên của ông khi làm việc với Mossad là David Mobsari, đến từ Rhodesia (nay là Zimbabwe). Các môn học được “những người Ethiopia” (mật danh của các điệp viên Israel) huấn luyện là đánh trận đôi công, phá hoại và sử dụng vũ khí.

Cũng theo bức thư, người có tên gọi Mobsari tỏ ra quan tâm đến cách thức lực lượng dân quân Do Thái Haganah, tiền thân quân đội Israel ngày nay, chiến đấu chống sự cai trị của Anh và lực lượng Palestine trong các thập niên 1930 và 1940, cũng như các phong trào bí mật của Israel. “Những người Israel đã cố gắng biến ông ta (Mandela) thành người ủng hộ chủ nghĩa phục quốc”, bức thư viết.

Theo báo Ha’aretz, Mossad đã không thể nhìn ra chân tướng của Mobsari cho đến khi ông bị bắt giữ vài tháng sau đó ở Nam Phi về tội chống chính quyền. Một dòng viết tay trên tài liệu ghi chú rằng Mobsari chính là Mandela. Cũng theo tờ báo này, bức thư được cất trong kho lưu trữ, và chỉ được phát hiện cách đây vài năm khi một sinh viên lục tìm tài liệu để làm luận văn về quan hệ giữa Israel và Nam Phi. Theo báo The Guardian, Bộ Ngoại giao Israel xác nhận có tài liệu này và khẳng định ông Mandela từng gặp một viên chức Israel tại Ethiopia hồi năm 1962, nhưng không đề cập đến Mossad hay bất kỳ hoạt động huấn luyện nào.

Thông tin gây tranh cãi

Bức thư đã gây tranh cãi ngay sau khi nó được công bố vào giữa tháng 12. Theo báo The Washington Post, Quỹ Nelson Mandela, tổ chức chính thức đảm trách việc quảng bá di sản của lãnh tụ Nam Phi, tỏ ra hoài nghi với thông tin từ bức thư. Trong một thông báo, quỹ trên khẳng định “không tìm thấy bằng chứng trong kho lưu trữ riêng của ông Nelson Mandela (bao gồm nhật ký và sổ ghi chép của ông vào năm 1962) cho thấy ông từng tiếp xúc với một điệp viên Israel trong chuyến đi chu du các nước châu Phi vào năm đó”.

Quỹ trên cho biết thêm rằng vào năm 1962, ông Mandela được huấn luyện quân sự bởi các tay súng chiến đấu vì tự do cho người Algeria ở Ma Rốc và từ Tiểu đoàn chống bạo động Ethiopia tại Kolfe, ngoại ô thủ đô Addis Ababa, trước khi quay về Nam Phi vào tháng 7.1962. Năm 2009, các viên chức của quỹ đã đến Ethiopia và phỏng vấn những người từng huấn luyện ông Mandela, song không ghi nhận bằng chứng nào về mối liên hệ với người Israel của nhân vật này.

Theo AP, việc công bố tài liệu trên dường như nhằm chỉ trích mối quan hệ gần gũi mà Israel thiết lập với giới lãnh đạo chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi. Sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, khi hàng chục quốc gia châu Phi cắt đứt quan hệ với Israel, nhà nước Do Thái đã thiết lập quan hệ quân sự thân cận với chính quyền apartheid của Nam Phi. Quan hệ giữa Tel Aviv với Pretoria thời hậu apartheid cũng không nồng ấm hơn. Chính phủ Nam Phi là những người ủng hộ nhiệt thành cho sự nghiệp của người Palestine. Năm ngoái, Pretoria đã quyết định hàng hóa nhập từ Israel ở khu vực Bờ Tây không được dán nhãn “sản phẩm Israel”. Đầu tháng 12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng hứng búa rìu dư luận do không sang Nam Phi dự lễ tang ông Mandela với lý do “chi phí cao”.

Ông Mandela bị chế độ apartheid cầm tù 27 năm trước khi được trả tự do và trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994. Ông từ trần ở tuổi 95 vào ngày 5.12.2013 tại Johannesburg sau một thời gian dài chống chọi bệnh viêm phổi.

Trùng Quang

>> Nelson Mandela được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2013
>> Ở đất nước Nelson Mandela
>> Ông Obama 'chụp ảnh tự sướng' tại lễ tang Nelson Mandela
>> Nam Phi tưởng niệm Nelson Mandela
>> Phim về Nelson Mandela hoãn hoạt động truyền thông
>> Apple tưởng niệm ông Nelson Mandela
>> Nelson Mandela chiến thắng hận thù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.