Tranh cãi về giá đưa phi hành gia lên quỹ đạo

20/04/2020 09:00 GMT+7

Tỉ phú Elon Musk hàm ý rằng Nga sẽ chẳng bao giờ thành công cho đến khi bắt kịp công nghệ phóng tên lửa đẩy có thể tái sử dụng nhiều lần như Mỹ đã đạt được

Thông qua mạng xã hội Twitter, dư luận giữa tháng qua vừa chứng kiến cuộc tranh luận giữa Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin và tỉ phú Mỹ Elon Musk, nhà sáng lập Công ty SpaceX. Mọi chuyện bắt đầu khi ông Rogozin thông báo điều chỉnh giá đưa phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế (ISS) trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 10.4. Theo báo The Moscow Times, Roscosmos “đang nỗ lực để giảm giá ghế trên phi thuyền Soyuz, thấp hơn 30% so với hiện nay nhằm gia tăng thị phần của Nga trên thị trường quốc tế”. Trình bày với Tổng thống Putin, Tổng giám đốc Rogozin cho hay “đây là câu trả lời của chúng ta trước hành vi bán phá giá của các công ty Mỹ được bơm ngân sách từ chính quyền Washington”.
Trước thông tin trên, tỉ phú Elon Musk mới đây viết trên Twitter: “Các tên lửa đẩy của SpaceX có mức tái sử dụng 80%, trong khi của họ (Roscosmos) thì không. Đó mới chính là vấn đề”. Ông Musk hàm ý rằng Nga sẽ chẳng bao giờ thành công cho đến khi bắt kịp công nghệ phóng tên lửa đẩy có thể tái sử dụng nhiều lần như Mỹ đã đạt được. Ông Rogozin trả lời: “Roscosmos không cần lời khuyên từ Washington”.

[VIDEO] NASA, tỉ phú Elon Musk quyết tâm đưa người Mỹ lên không gian bằng tàu SpaceX

Thế nhưng, tỉ phú Mỹ vẫn tiếp tục tấn công trên Twitter khi cho rằng với “lực lượng kỹ sư đầy tài năng đến thế”, Nga nên đặt mục tiêu tái sử dụng cho chương trình tên lửa đẩy. Đáp trả, Tổng giám đốc Roscosmos chỉ trích: “Thay vì cạnh tranh lành mạnh ở thị trường cung cấp dịch vụ đưa người lên không gian, họ lại vận động cấm vận chúng tôi và dùng thủ thuật bán phá giá mà không bị trừng phạt”.
Kể từ khi Mỹ cho về hưu chương trình tàu con thoi vào tháng 7.2011, NASA buộc phải sử dụng dịch vụ tàu Soyuz của Nga với giá trung bình 86 triệu USD/ghế, theo tạp chí Forbes. Tổng cộng tàu Soyuz đã đưa 38 phi hành gia của NASA lên quỹ đạo trong 35 lần phóng, thu về hơn 3 tỉ USD. Sau lần sử dụng dịch vụ của Nga gần đây nhất (ngày 9.4), NASA đang đặt hy vọng vào SpaceX, công ty nhận 3,1 tỉ USD từ ngân sách Mỹ để phát triển tàu Crew Dragon, và Boeing nhận 4,8 tỉ USD cho chương trình tàu CST-100 Starliner. SpaceX cho hay chỉ thu 60 triệu USD/ghế và đang chuẩn bị cho chuyến đầu tiên đưa người lên quỹ đạo, dự kiến vào cuối tháng 5.

Tên lửa đẩy SpaceX nổ tung trong nhiệm vụ "quá mãn nhãn"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.