Tranh cãi kế hoạch răn đe hạt nhân của Mỹ

Bảo Vinh
Bảo Vinh
14/03/2021 14:30 GMT+7

Quân đội Mỹ đang trong quá trình thay thế các tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III bằng loại tên lửa mới nhưng có những ý kiến cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí hạt nhân này.

Theo tờ The Guardian, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) chuẩn bị công bố báo cáo kêu gọi chính quyền đánh giá lại vai trò của lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ hầm ngầm trên bộ (silo), một trong 3 chân kiềng của tam giác hạt nhân Mỹ. Báo cáo sẽ được công bố trước thời điểm chính quyền Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên đưa ra đề xuất ngân sách quốc phòng, quyết định số phận nhiều chương trình vũ khí của quân đội.

Vũ khí đắt đỏ

Hồi tháng 9.2020, nhà sản xuất quốc phòng Northrop Grumman được không quân Mỹ trao gói thầu ban đầu trị giá 13,3 tỉ USD cho việc thiết kế và phát triển tên lửa mới gọi là Hệ thống răn đe chiến lược trên bộ (GBSD). Loại tên lửa này dự kiến được triển khai từ năm 2029 và thay thế toàn bộ các ICBM Minuteman III hoạt động hơn 50 năm qua.
Theo FAS, hợp đồng được thúc đẩy bởi những nỗ lực vận động hành lang của các nhà sản xuất quốc phòng và từ giới chính trị gia tại các bang hưởng lợi kinh tế từ dự án, thay vì dựa trên những đánh giá về vai trò cần thiết của GBSD.

Các thiết kế GBSD của Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman

Ảnh chụp màn hình Bulletin of the Atomic Scientists

Một nghiên cứu của Trung tâm Chính sách quốc tế (Mỹ) vừa công bố cho thấy Northrop Grumman và các nhà thầu phụ đã chi hơn 119 triệu USD cho việc vận động hành lang trong năm 2019 và 2020, thông qua 410 nhà vận động, gồm nhiều cựu quan chức. Công ty này chỉ được trao gói thầu sau khi Boeing rút lui với cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, Northrop Grumman giành lợi thế khi thâu tóm Orbital ATK, một trong 2 nhà sản xuất tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn duy nhất tại Mỹ.
Theo FAS, mức giá cho việc phát triển GBSD đã được điều chỉnh một cách có chủ đích nhằm cho thấy nó rẻ hơn so với chi phí để tiếp tục sử dụng Minuteman III. Đánh giá của Tổ chức nghiên cứu Rand Corporation cho thấy chi phí của GBSD có thể cao gấp 2-3 lần việc duy trì hệ thống cũ.
Theo ước tính, không quân sẽ mua tổng cộng hơn 600 GBSD. Mức phí cơ bản để phát triển là 100 tỉ USD nhưng tổng chi phí để sản xuất, vận hành và duy trì GBSD cho đến năm 2075 được ước tính lên đến 264 tỉ USD. Báo Bulletin of the Atomic Scientists ước tính số tiền này có thể được dùng để trả lương cho 1,24 triệu giáo viên tiểu học trong một năm, tương đương 2,84 triệu học bổng đại học hoặc trả viện phí cho 3,3 triệu bệnh nhân Covid-19.

Một vụ phóng thử ICBM Minuteman III từ căn cứ Vandenberg ở bang California nằm 2016

Không quân Mỹ

Mô hình lỗi thời?

Mỹ hiện có 400 tên lửa Minuteman trong các silo ở 5 bang Colorado, Montana, Nebraska, Bắc Dakota và Wyoming. Các tổ chức vận động kiểm soát vũ khí và những người phản đối ICBM, gồm các cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn các ICBM phóng từ trên bộ. Trong trường hợp nước Mỹ đối diện một cuộc tấn công bất ngờ, tổng thống chỉ có chưa đầy nửa giờ để ra quyết định tấn công. FAS cho rằng đó sẽ là quyết định gây ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nhân loại và dù tổng thống có năng lực đến mức nào cũng khó đưa ra quyết định hợp lý, chưa kể những nguy cơ như cảnh báo giả.
Mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc thường được nêu ra như là lý do chính để phát triển GBSD. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng các loại vũ khí ICBM trên bộ đã lỗi thời và không phù hợp trong môi trường an ninh hiện đại. Bất kỳ vụ phóng ICBM nào từ lục địa Mỹ để răn đe Trung Quốc đều có thể bị Nga hiểu lầm là hành động tấn công lên Nga, gây nguy cơ leo thang xung đột.

Một silo hạt nhân chứa tên lửa Minuteman tại bang Wyoming

Cơ quan công viên quốc gia Mỹ

Theo báo cáo của FAS, Mỹ chỉ cần dựa vào các oanh tạc cơ chiến lược và lực lượng tàu ngầm hạt nhân để tấn công đáp trả. Lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiếm 55% tổng lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ, được cho là sẽ duy trì tính răn đe trong nhiều thập niên tới.
Tuy nhiên, những người ủng hộ GBSD phản đối việc dựa dẫm nhiều hơn vào lực lượng tàu ngầm hạt nhân vì chắc chắn sẽ gặp những trở ngại trong môi trường tác chiến chống ngầm ngày nay. Ông Tim Morrison, cựu cố vấn Nhà Trắng cho Tổng thống Donald Trump về Nga và vũ khí hạt nhân, hiện làm việc tại Viện Hudson, cho rằng chẳng có lý do gì mà Mỹ lại “đặt nhiều trứng vào một giỏ” và loại bỏ chân kiềng rẻ và dễ phản ứng nhất trong tam giác hạt nhân là các ICBM trên bộ.
“Các đối thủ của chúng ta hiểu sức răn đe của đội tàu ngầm nhiều đến mức nào và tôi có thể cá rằng họ đang tìm cách khiến cho những tàu ngầm đó dễ bị tấn công”, ông Morrison nói.
Giới quan sát nhận định chính quyền Tổng thống Biden ít khả năng cân nhắc lại cấu trúc hạt nhân vốn là nền tảng của quân đội Mỹ từ đầu Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, cũng có khả năng việc chi ngân sách để phát triển GBSD sẽ bị trì hoãn tạm thời trong lúc chính quyền mới đánh giá lại lực lượng hạt nhân của Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.