Trang sử ngoại giao bóng bàn Trung-Mỹ

Phạm Bá Thủy
Phạm Bá Thủy
29/07/2018 09:00 GMT+7

Chính sách ngoại giao bóng bàn do Trung Quốc và Mỹ thực hiện trong những năm 1970 là một bước đột phá trong quan hệ hai nước vốn bị coi là thù nghịch.

Dựa vào môn thể thao bóng bàn cùng với sự khôn khéo ngoại giao của mình, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi đó đã làm tan dần lớp băng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Động thái này cũng góp phần làm thay đổi tình hình địa chính trị trong "đại tam giác chiến lược": củng cố vị trí của Trung Quốc và Mỹ, đồng thời làm suy yếu vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế.
Vì sao Trung, Mỹ quyết định bắt tay nhau?
Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Rất nhiều nước (bao gồm cả một số đồng minh của Mỹ) lên án việc Mỹ xâm lược Việt Nam, khiến giới lãnh đạo Mỹ lâm vào thế bế tắc trong chính sách đối ngoại. Ngoài ra, các cuộc biểu tình của dân chúng Mỹ chống lại cuộc chiến ở Việt Nam cũng đe dọa sự ổn định nội bộ.
Vào năm 1971, một cuộc khủng hoảng kinh tế mới hình thành khiến nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn. Do đó, Mỹ bắt đầu quan tâm đến việc kéo giảm sức ép quốc tế và mở ra đối thoại với các đối thủ chính trị của mình. Đã xuất hiện nhiều tình huống thuận lợi cho chủ trương này của Mỹ, chẳng hạn khối cộng sản Trung-Xô đã có sự chia rẽ sâu sắc, mà cuộc xung đột biên giới năm 1969 là trong những cao trào thể hiện ra bên ngoài. Tình trạng này đã tạo cho giới lãnh đạo Mỹ cơ hội nâng cao quyền lực quốc tế của mình và làm suy yếu Liên Xô.

Cũng thời điểm đó, Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề nan giải. Cuộc Cách mạng Văn hóa làm cho đất nước rơi vào vực thẳm hỗn loạn và bất ổn. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và văn hóa văn nghệ ngừng trệ hẳn. Nền kinh tế của đất nước bị tụt hậu rất xa, thiệt hại lên đến khoảng 500 tỷ nhân dân tệ thời ấy.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tồn tại gần như hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của thế giới, tích cực thực hiện chính sách chống Liên Xô, tham vọng độc chiếm vai trò lãnh đạo trong khối cộng sản và cáo buộc Liên Xô đi theo đường lối của chủ nghĩa xét lại. Cao điểm cho sự suy thoái quan hệ Trung-Xô là cuộc can thiệp của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968. Trung Quốc cũng thực sự lo sợ một cuộc tấn công quân sự của Liên Xô từ phía bắc, đặc biệt là từ sau khi xảy ra cuộc xung đột vũ trang ở biên giới Xô-Trung năm 1969.
Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều coi việc bình thường hóa quan hệ là cần thiết, ít nhất là để chung sức đối đầu với Liên Xô.
Ngoại giao bóng bàn
Năm 1969, ngay sau cuộc xung đột biên giới Xô-Trung, diễn ra giữa một cuộc hội đàm bí mật Trung – Mỹ. Ngày 5.9.1969, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Elliot Richardson nói rằng nếu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn giữa Trung Quốc và Liên Xô, Mỹ sẽ không còn thờ ơ. Tuyên bố này được thực hiện trên cơ sở các báo cáo của CIA, theo đó tại thời điểm xung đột, gần biên giới Xô-Trung có 40 sư đoàn quân Liên Xô, trong khi đó phía Trung Quốc đã không có sự tập trung quân đáng kể.
Vào ngày 6.4.1971, Bắc Kinh đưa ra một đề nghị giật gân: mời đội tuyển bóng bàn Mỹ đang dự giải vô địch thế giới tại Nhật Bản sang Trung Quốc thi đấu giao hữu, phía Trung Quốc lo chi phí. Từ ngày 11-17.4, các thành viên của đội tuyển Mỹ đã thi đấu giao lưu với các tay vợt Trung Quốc, thăm Tử Cấm Thành và Vạn lý Trường thành, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân Trung Quốc. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người Mỹ đến Trung Quốc kể từ năm 1949.
Ngày 14.4.1971, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại chống lại Trung Quốc. Và trong năm 1972, các vận động viên bóng bàn Trung Quốc đã đến thăm nước Mỹ. Họ cũng thi đấu giao hữu với các tay vợt chủ nhà, và đã dành nhiều thời gian tham quan, làm quen với đời sống nước Mỹ.
Chuyến thăm Trung Quốc của Henry Kissinger

Ông Chu Ân Lai và ông Henry Kissinger LA Progressive

Ngoại giao bóng bàn đã tạo ra một nền tảng chính trị thuận lợi cho các chuyến đi đến Trung Quốc của Henry Kissinger (lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia) vào tháng 7 và tháng 10 năm 1971. Trong chuyến thăm đầu tiên của mình, ông nhấn mạnh rằng "Mỹ không còn là kẻ thù của Trung Quốc, sẽ không cô lập Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc…".

Ngoài ra, trong các cuộc hội đàm với Chu Ân Lai, Kissinger cũng nêu các vấn đề của chương trình nghị sự trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Nixon (tình hình ở Đông Dương, vấn đề Đài Loan, mối quan hệ với quốc gia thứ ba như Nhật Bản hoặc Liên Xô, kiểm soát vũ khí, vv). Chủ đề nhạy cảm nhất của cuộc thảo luận là vấn đề Đài Loan, trong đó Mỹ đã có sự nhượng bộ đối với Trung Quốc, đồng ý triệt thoái 2/3 lực lượng vũ trang Mỹ từ Đài Loan sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Như là dấu hiệu của thái độ nồng ấm, Kissinger đã trao cho Trung Quốc một số bức ảnh chụp các cơ sở quân sự của Liên Xô do vệ tinh của Mỹ thực hiện.
Giữa hai chuyến thăm Trung Quốc của Kissinger đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng: Mỹ thực hiện lời hứa ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc và chẳng bao lâu sau đó Trung Quốc đã hất cẳng Đài Loan để giành ghế thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong chuyến thăm thứ hai của Kissinger vào tháng 10.1971, các bên đã thảo luận về tương lai của Đài Loan, chính sách quốc phòng của Nhật Bản, chiến tranh ở Việt Nam, xung đột Bangladesh và các chi tiết về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc. Ngoài ra, Henry Kissinger và Chu Ân Lai cũng đã thảo luận về dự thảo của bản Thông cáo chung Thượng Hải mà hai bên sẽ ký kết sau chuyến thăm của tổng thống Nixon vào cuối tháng 1.1972.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.