Trận ném bom chết chóc nhất lịch sử

14/03/2020 10:00 GMT+7

Cách đây 75 năm, Mỹ đã rải hàng trăm ngàn quả bom napalm, nhận chìm thủ đô Tokyo trong biển lửa và cướp đi sinh mạng khoảng 100.000 người ở Nhật vào năm 1945.

“Những quả bom napalm của Mỹ thiêu rụi mọi thứ từ con người cho đến nhà cửa. Tôi cùng cha mẹ, anh trai và em gái chạy khỏi nhà lúc giữa đêm ở thủ đô Tokyo. Lúc đó tôi mới 8 tuổi”, bà Haruyo Nihei (83 tuổi) kể lại.
Gia đình bà Nihei may mắn sống sót nhờ nằm dưới những xác người chất đống ở Tokyo trong trận bom kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người vào ngày 10.3.1945, theo CNN.

1.500 tấn bom napalm trong 1,5 giờ

Trong khoảng thời gian từ 1 giờ 30 - 3 giờ ngày 10.3.1945, hơn 300 máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã thả 500.000 quả bom napalm M69 (mỗi quả bom loại này chỉ nặng khoảng 3 kg), tức 1.500 tấn bom, xuống Tokyo. Phi công chiếc B-29 Robert Bigelow kể lại: “Chúng tôi đã nhận chìm Tokyo trong biển lửa”.
Khoảng 100.000 người Nhật thiệt mạng và khoảng 1 triệu người khác bị thương, đa số là dân thường, sau trận bom ngày 10.3.1945. Ít nhất 1 triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Ngoài ra, hàng chục ngàn người khác đã thiệt mạng sau khi Mỹ tiếp tục tiến hành chiến dịch ném bom napalm nhắm vào nhiều thành phố khác bao gồm Nagoya, Osaka và Kobe, theo tài liệu lịch sử của Hải quân Mỹ.

Những người may mắn sống sót sau trận bom napalm của Mỹ trút xuống Tokyo tháng 3.1945

Bảo tàng chứng tích về những trận không kích nhắm vào Tokyo

Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy số người thiệt mạng trong trận bom ngày 10.3.1945 đã vượt quá vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm đó, lần lượt giết chết khoảng 70.000 người và 46.000 người.
Đây là trận bom napalm chết chóc nhất lịch sử, nhưng Nhật Bản không tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày 10.3. Dù vậy, Tokyo cũng có một bảo tàng chứng tích về những trận không kích nhắm vào thủ đô và hằng năm những người sống sót vẫn đến thăm nơi này.

Chiến dịch vô nhân đạo

Khi Thế chiến 2 nổ ra vào năm 1939, tổng thống thứ 32 của Mỹ Franklin Roosevelt từng cảnh báo các nước trên thế giới chớ nên tiến hành những vụ ném bom “man rợ, vô nhân đạo” nhắm vào thường dân. Tuy nhiên, Mỹ đã thay đổi chính sách để trả đũa vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7.12.1941.
Trong chiến dịch Meetinghouse khuya 9.3.1945, tướng Curtis LeMay khi đó đã lệnh cho các oanh tạc cơ B-29 xuất kích từ căn cứ ở đảo Saipan, Tinian và Guam, bay hơn 2.400 km để đến Nhật Bản.
Một số phi công B-29 đã chỉ trích ông LeMay là “kẻ điên cuồng” khi buộc họ bay tầm thấp (1.500 - 2.500 m) với đội hình nhỏ, tấn công từng đợt một, theo tài liệu lịch sử của Viện Bảo tàng hàng không Virginia (Mỹ).
“B-29 là loại tiên tiến nhất lúc bấy giờ, với thân máy bay có khả năng chịu áp suất và nhiệt độ cao. Tuy nhiên, chiến thuật B-29 bay thành đội hình lớn, nhiều tầng khiến chúng dễ bị phát hiện và ngăn chặn trong những đợt tấn công trước đó nhắm vào Nhật Bản.
Chính vì thế, tướng LeMay ra lệnh cho các phi công B-29 bay theo đội hình nhỏ hơn, tiến hành nhiều đợt ném bom liên tiếp và sẵn sàng chấp nhận thương vong”, ông Jeremy Kinney, chuyên gia thuộc Bảo tàng Lịch sử hàng không Virginia, cho biết.

Haruyo Nihei, nhân chứng còn sống sót sau trận bom napalm chết chóc nhất lịch sử

Ảnh chụp màn hình CNN

Tướng LeMay thậm chí còn ra lệnh cho gỡ bỏ hết những vũ khí phòng thủ để B-29 mang được nhiều bom napalm hơn. Tướng LeMay sau đó đã thừa nhận sự tàn bạo của trận bom napalm.
“Lúc đó, giết chết nhiều người Nhật không khiến tôi cảm thấy hối hận... Tôi còn nghĩ rằng nếu thua trận, cùng lắm tôi sẽ bị đem ra xét xử như một tội phạm chiến tranh”, câu nói nổi tiếng của ông LeMay được nhiều tài liệu dẫn lại.  

Thủ đô Tokyo chìm trong biển lửa sau trận bom napalm của Mỹ ngày 10.3.1945

Bảo tàng chứng tích về những trận không kích nhắm vào Tokyo

 
Bom napalm được chọn vì nó mang chất gây cháy, có thể thiêu rụi thủ đô Tokyo lúc bấy giờ có nhiều căn nhà làm bằng vật liệu gỗ.
Trận bom napalm của Mỹ đã thiêu rụi 267.000 tòa nhà, căn hộ ở Tokyo. Biển lửa khiến nhiệt độ một số khu vực ở đây tăng lên tới 1.800 độ C.
Chuyên gia hóa học Julius Fieser tại Đại học Harvard đã điều chế ra napalm vào năm 1942. Để thử nghiệm bom napalm, Cục Chiến tranh hóa học Mỹ đã xây dựng “bản sao” những căn hộ, tòa nhà theo đúng kiến trúc, vật liệu của Đức và Nhật, thậm chí bày trí tủ quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất bên trong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.