Trăm năm phương Tây cấm vận Nga

10/10/2016 17:01 GMT+7

Biện pháp trừng phạt kinh tế không phải là phát minh của thời đại toàn cầu hóa. Các nước phương Tây đã gây sức ép lên nước Nga bằng con đường thương mại trong gần một thế kỷ nay.

Theo báo Sự thật Komsomol ngày 9.10, những biện pháp trừng phạt của phương Tây hiện nay chỉ là sự tiếp nối những gì mà người Nga đã phải chịu đựng từ rất lâu rồi. Đúng 97 năm trước, ngày 10.10.1919, các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Entente (do Mỹ, Pháp và Anh cầm đầu) đã chính thức công bố lệnh phong tỏa kinh tế toàn diện đối với nước Nga Xô viết non trẻ. Trước đó các nước phương Tây từng ban hành những lệnh cấm vận riêng lẻ trong một số lĩnh vực, kể từ sau cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917.

Cấm vận ngoại giao

Phương Tây quyết làm suy yếu nước Nga Xô viết, tìm mọi cách ngăn chặn quan hệ ngoại giao. Thụy Sĩ, Hà Lan, Áo, Hungary, Tiệp Khắc trục xuất đại sứ Nga và không cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Nga. Ngay cả các nước Bắc Âu vốn thân thiện cũng làm như thế.

Hầu hết các nước phương Tây đóng cửa cơ quan đại diện thương mại Nga, trừ Anh. Nhưng Anh cũng không cho phép người Nga ký kết hợp đồng kinh tế với các công ty sở tại. Cơ quan Thương vụ Nga chỉ có thể thực hiện chức năng… lãnh sự.

Lệnh trừng phạt của phương Tây hiện nay có bớt hà khắc hơn, chỉ khoảng vài chục chính khách và nhà ngoại giao Nga bị cấm nhập cảnh EU và Mỹ do họ từng công khai ủng hộ việc sáp nhập bán đảo Crimea. Tài sản của họ ở nước ngoài bị phong tỏa.

Dù sao thì cũng chỉ vài chục người chứ không phải cả nước. Nếu cả nước bị cấm vận ngoại giao thì Nga coi như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, còn tệ hơn cả Triều Tiên. Nhưng theo giới quan sát, dù có bị như thế, Nga vẫn chẳng nao núng, vì sở hữu một quân đội hùng mạnh và một kho vũ khí hạt nhân đáng nể. Hẳn không ai muốn dồn một quốc gia mạnh như thế vào chân tường.

Cấm vận hàng hải

Năm 1919, Nga gần như mất trắng Biển Đen. Tàu thuyền thương mại của Nga chỉ có thể đi tới các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu đi xa hơn thì sẽ bị hải quân Anh chặn bắt, tịch thu cả tàu lẫn hàng hóa.

Phần phía bắc của Thái Bình Dương lúc đó do hải quân Nhật chiếm đóng và kiểm soát, do vậy lối thông thương này cũng bị chặn. Ở biển Baltic, tình hình có dễ thở hơn: Nga có thể buôn bán với Đức, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch. Tuy nhiên, cũng có một số tàu thương mại của Nga bị hải quân Anh vô cớ chặn bắt, tịch thu trên biển Baltic. Nhiều tàu thương mại của các nước Bắc Âu chở hàng đến Nga cũng bị hải quân Anh chặn bắt.

Rất may, ngày nay tình trạng kể trên không lặp lại. Ngoại trừ hải tặc, còn thì bất cứ quốc gia nào cũng không thể vô cớ bắt giữ tàu buôn của Nga. Giả sử điều đó xảy ra, quan hệ ngoại giao coi như chấm dứt, và nếu thương thuyết (để thả tàu) không có kết quả, chiến tranh là điều khó tránh. Mà để xảy chiến tranh với một cường quốc hạt nhân thì hẳn chẳng ai muốn.

Cấm vận lâm sản

Sau nội chiến (1918-1920), do nền công nghiệp bị tàn phá nặng nề, sản phẩm xuất khẩu của Nga lúc đó chủ yếu là gỗ thô. Đầu thập niên 1920, bao vây hàng hải tương đối được nới lỏng, ít nhất là tàu buôn của Nga không còn bị hải quân các nước Entente chặn bắt. Tuy nhiên vẫn chưa hết khó, vì các công ty phương Tây thường từ chối mua gỗ của Nga hoặc ép giá cực thấp. Ngày đó chưa có những ràng buộc pháp lý chặt chẽ như bây giờ nên khi tàu Nga đã chở hàng tới cảng đến, phía đặt hàng có thể nại ra nhiều lý do để thay đổi ý kiến, hạ giá mua hàng xuống thật thấp.

Ngày nay, Nga là một trong số ít quốc gia cung cấp gỗ hàng đầu trên thế giới nên chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện cấm vận lâm sản đối với Nga.

Cấm vận dầu mỏ

Cho đến năm 1923, các nước phương Tây luôn từ chối mua dầu thô và các các sản phẩm dầu mỏ của nước Nga Xô viết. Ngay sau khi Entente tuyên bố lệnh bao vây kinh tế và cấm vận toàn diện với Nga, hãng Mỹ Standard Oil đã hủy hợp đồng mua một lô hàng lớn xăng và dầu nhớt của Nga. Hãng Royal Dutch Shell (Anh - Hà Lan) cũng bất ngờ hủy hợp đồng mua 100.000 tấn dầu hỏa của Nga.

Các biện pháp trừng phạt ngày nay không ảnh hưởng gì mấy đến ngành dầu khí của Nga. Đơn cử, nước Đức sẽ rất nhọc nhằn nếu không có khí đốt của Nga. Hơn nữa, các tập đoàn lớn của phương Tây đã đầu tư rất nhiều tiền của vào lĩnh vực khai thác dầu khí của Nga, nếu cấm vận dầu khí thì họ sẽ bị thiệt hại lớn. Mà nếu có bị cấm vận thì Nga vẫn còn cửa bán các sản phẩm dầu khí sang những thị trường rộng lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc…

Nga - Mỹ không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng đối với các vấn đề quốc tế hiện nay Reuters

Cấm vận kim loại quý

Ban đầu, Mỹ và các nước thuộc Hiệp ước Entente từ chối việc Nga thực hiện giao dịch thương mại thanh toán bằng vàng. Để có ngoại tệ sử dụng trong thanh toán quốc tế, Nga phải bán vàng cho các nước Bắc Âu trung lập và buộc phải chấp nhận giá thấp hơn 25% so với giá vàng thế giới. Đã vậy, những nước nhỏ như Đan Mạch, Thụy Điển không phải lúc nào cũng có đủ tiền để mua vàng Nga với số lượng lớn.

Sau đó, phương Tây không chấp nhận các khoản thanh toán từ Nga dưới bất kỳ hình thức nào, ngoại trừ lúa mì. Chính quyền Xô viết lúc đó buộc lòng phải dùng lương thực để đổi lấy các phương tiện kỹ thuật phục vụ quá trình phục hồi nền công nghiệp bị nội chiến tàn phá. Bằng động thái này, khối Entente đã đạt được mục đích gây nạn đói khủng khiếp ở Nga thời bấy giờ.

Ngày nay, trong bối cảnh giá vàng ngày một tăng, phương Tây chẳng dại gì từ chối các thanh khoản bằng vàng của Nga.

Phương Tây dỡ bỏ cấm vận Nga năm 1925

Cuối năm 1920, khi sự thất bại của quân Bạch vệ (lực lượng ủng hộ chế độ Nga hoàng) đã trở nên rõ ràng, phương Tây bắt đầu nới lỏng các biện pháp bao vây kinh tế đối với Nga. Tuy nhiên phương Tây chỉ bỏ hẳn cấm vận vào năm 1925, khi Hội Quốc liên chính thức thức công nhận Liên Xô.

Thủ tướng Anh lúc đó là Lloyd George tuyên bố: "Dù sao thì vẫn có thể giao dịch thương mại với những kẻ ăn thịt người" (?).

Người Mỹ đi đầu trong việc nhận ra rằng hợp tác với Nga sẽ có lợi. Các công ty Mỹ bắt đầu tích cực tham gia đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp của Nga. Với sự giúp đỡ của Mỹ, Nga đã xây dựng được công trình thủy điện Dnepr, nhà máy cơ khí Uralmash, nhà máy sản xuất máy kéo Chelyabinsk, nhà máy cơ khí xây dựng Gorky Machine, các tổ hợp cơ khí luyện kim Magnitogorsk và Kuznetsk, phục hồi cơ sở khai thác dầu mỏ Baku và nhiều công trình công nghiệp khác.

Một công trình đáng chú ý là nhà máy sản xuất máy kéo Stalingrad, ban đầu được xây dựng ở Mỹ, sau đó tháo rời, vận chuyển đến Liên Xô và rồi được lắp ráp nguyên vẹn trên bờ sông Volga. Trong giai đoạn 1928-1941, chỉ riêng công ty Albert Kahn Inc. của Mỹ đã giúp lập ra 571 cơ sở công nghiệp ở Liên Xô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.