Tổng thống Trump 'khó chịu' khi phải tham dự thượng đỉnh G7

24/08/2019 10:30 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường sang Pháp tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, nhưng trong lòng hoài nghi không biết mình có phí thời gian cho sự kiện này hay không.

CNN ngày 24.8 dẫn nguồn tin tiết lộ trong các cuộc trao đổi với trợ lý gần đây, Tổng thống Donald Trump nhiều lần đặt câu hỏi tại sao ông phải dự hội nghị thượng đỉnh G7.
Sau 2 lần tham dự năm 2017 tại Ý và năm 2018 tại Canada, Tổng thống Trump phàn nàn về hội nghị vì cho rằng nó không mang lại kết quả xứng đáng với thời gian ông bỏ ra.
Nhóm các cường quốc kinh tế G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) gặp mỗi năm một lần để bàn luận về các vấn đề kinh tế, địa chính trị của thế giới.
Hồi năm 2017, các lãnh đạo chủ yếu tập trung thuyết phục Tổng thống Trump giữ Mỹ ở lại thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris nhưng bất thành. Năm ngoái, chủ đề chính cũng tập trung về môi trường và việc xả rác thải nhựa ra biển.

Hội nghị G7 "phức tạp" hơn với sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Anh Johnson

Tổng thống Trump được cho là thấy khó chịu vì những cuộc thảo luận kéo dài về môi trường và không đủ thời gian để ông nói về vấn đề kinh tế. Các nguồn tin cho hay giới quan chức trợ lý đã kêu gọi nước chủ nhà Pháp sắp xếp một phiên họp tập trung về kinh tế toàn cầu tại hội nghị lần này để Tổng thống Trump đồng ý tham dự.
G7 năm nay diễn ra từ ngày 24-26.8 tại Biarritz, phía tây nam Pháp. Hiện có nhiều ý kiến lo ngại về mức độ thành công của hội nghị vì có nhiều bất đồng, còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng hội nghị có thể kết thúc mà không đưa ra tuyên bố chung.
Ngay trước hội nghị, Tổng thống Trump nói rằng sẽ “thích hợp” khi để Nga tái nhập nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới G7 vì nhiều vấn đề cần bàn thảo có liên quan tới Moscow.
Tuy nhiên, Đức, Pháp, Anh - đều là thành viên G7 - đã nhanh chóng bác bỏ ý kiến của Tổng thống Trump, nhắc lại rằng Nga đã bị loại khỏi nhóm sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine và sau đó ủng hộ một cuộc nổi dậy chống Kiev ở vùng công nghiệp Donbas thuộc miền đông Ukraine, theo Reuters ngày 23.8.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của các lãnh đạo EU. Ông cho rằng không có gì thay đổi liên quan tới Crimea và Donbas kể từ tháng 3.2014, thời điểm Nga bị loại khỏi nhóm.
Cùng quan điểm, một quan chức EU cho biết việc cho phép Nga quay lại nhóm mà không có điều kiện sẽ là “phản tác dụng và là dấu hiệu của sự yếu đuối”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.