Tổng thống Trump đồng ý gặp lãnh đạo Kim Jong-un

Khánh An
Khánh An
10/03/2018 07:49 GMT+7

Trong một quyết định được đánh giá là “lịch sử”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý với đề nghị gặp trực tiếp lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.

Reuters ngày 9.3 dẫn lời Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho hay ông đã chuyển cho phía Mỹ đề nghị của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un về đối thoại trực tiếp với Tổng thống Donald Trump trong thời gian sớm nhất có thể. Phát biểu trước báo giới, ông Chung thông báo Tổng thống Trump đã chấp nhận lời đề nghị và sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên trước tháng 5.
Theo phía Hàn Quốc, ông Kim “hiểu rằng cuộc tập trận thường kỳ chung Mỹ - Hàn phải tiếp tục được tiến hành”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng thời cam kết phi hạt nhân hóa và sẽ kiềm chế, không tiến hành thêm bất kỳ cuộc thử tên lửa hay hạt nhân nào nếu đối thoại diễn ra. Những thông tin này được ông Chung công bố sau khi cùng Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon tới Mỹ để truyền đạt kết quả chuyến thăm Triều Tiên trước đó.
Sau khi tiếp phái đoàn Hàn Quốc, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng ông Kim Jong-un đã đề cập phi hạt nhân hóa, chứ không đơn thuần là tạm dừng. “Đã có tiến triển lớn nhưng các lệnh trừng phạt sẽ vẫn duy trì cho đến khi đạt được một thỏa thuận. Cuộc gặp đang được trù tính”, chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter hôm qua. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết việc sắp tới là thỏa thuận về thời gian gặp mặt và sẽ mất vài tuần để chuẩn bị. Theo ông Tillerson, Mỹ bất ngờ trước cách ông Kim “tích cực, chủ động” trong cuộc đối thoại với phái đoàn Hàn Quốc hồi đầu tuần. AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ nhận định đây là dấu hiệu rõ ràng về việc Bình Nhưỡng “không chỉ sẵn sàng mà còn thực sự mong muốn đối thoại”.
Cột mốc lịch sử
Đồn đoán về sức khỏe của ông Kim
Tờ Daily Star ngày 9.3 dẫn một số nguồn giấu tên loan tin giới tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un, trong khi các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng sức khỏe kém có thể là lý do khiến nhà lãnh đạo chấp nhận đối thoại. Do thông tin về sức khỏe của ông Kim là tuyệt mật nên các đánh giá phần lớn dựa trên bề ngoài và tiền sử gia đình. Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về những thông tin trên.
Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và CHDCND Triều Tiên trong lịch sử. Trước đây, ông Jimmy Carter từng gặp Chủ tịch Kim Il-sing (Kim Nhật Thành) tại Bình Nhưỡng vào năm 1994 nhưng khi đó cựu tổng thống Mỹ đã rời Nhà Trắng được hơn 13 năm. Chính vì thế, Yonhap dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ sự lạc quan về “cột mốc lịch sử” cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim vì “sự can đảm và thông thái” của họ.
Cũng trong hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay Bắc Kinh hoan nghênh “thông điệp tích cực” về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi đây là “bước đi đúng hướng” và hy vọng hội nghị sẽ hướng tới bình thường hóa tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Sau khi tuyên bố sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Trump đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trao đổi về những diễn biến mới. Ông Abe cho biết sẽ tới Mỹ gặp ông Trump vào tháng 4 để thảo luận thêm. Mặc dù hoan nghênh sự chuyển biến trong quan điểm của Bình Nhưỡng, lãnh đạo Nhật nhấn mạnh nước này và Mỹ vẫn sẽ tiếp tục “gây sức ép tối đa” để buộc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Triển vọng và nguy cơ
Theo giới quan sát, những diễn biến bất ngờ nói trên có thể mang đến cơ hội lẫn rủi ro cho tiến trình hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, người từng nhiều lần đàm phán với Triều Tiên, cho rằng đây là một sự cải thiện đáng kể về ngoại giao. Chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS - Mỹ) thì cảnh báo cuộc gặp thượng đỉnh “hàm chứa cơ hội lẫn nguy cơ”. Theo bà, Washington phải chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng và biết chính xác muốn đạt được điều gì và phải đánh đổi điều gì. Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng đánh giá cao khả năng của Tổng thống Trump. “Ông Trump là một người giỏi thỏa thuận và có lẽ ông tin rằng mình có thể thuyết phục được ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân”, bà nói với Reuters. Ngược lại, thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham nói Bình Nhưỡng “sẽ chỉ nói mà không làm”. Ông còn cảnh báo chính quyền Triều Tiên sẽ “kết thúc” nếu “bỡn cợt” với Washington.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.