Tổng thống Putin: Nga sẽ có biện pháp đối phó lá chắn tên lửa ở châu Âu

13/05/2016 22:26 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13.5 tuyên bố Nga buộc phải cân nhắc các biện pháp nhằm chấm dứt những mối đe dọa từ lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu.

Trong cuộc họp với các quan chức quân đội Nga ngày 13.5, ông Putin bác bỏ luận điểm của Mỹ cho rằng lá chắn tên lửa ở châu Âu (bố trí đầu tiên tại Romania) không nhằm vào Nga mà là đối phó tên lửa của Iran, đồng thời cho biết “đây là mối đe dọa đối với chúng tôi”, theo AFP.
“Hiện những hệ thống phòng thủ tên lửa đã được thiết lập, chúng tôi sẽ buộc phải cân nhắc các biện pháp nhằm chấm dứt mối đe dọa đối với nền an ninh Nga”, ông Putin nói. Một trong số biện pháp mà ông Putin nhắc đến là tăng chi tiêu quốc phòng và điều chỉnh chương trình hiện đại hóa quân sự.
Nhưng Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ không bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang. Ông Putin cho biết thêm Nga “sẽ làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo và duy trì cán cân chiến lược nhằm tránh xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn”.
Trung tâm chỉ huy cơ sở phòng thủ tên lửa đạn đạo ở căn cứ không quân Deveselu, Romania - một phần của lá chắn tên lửa ở châu Âu Reuters
Tổng thống Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi một cơ sở phòng thủ tên lửa đạn đạo tại căn cứ không quân Deveselu, Romania trong khuôn khổ chương trình lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu (sau đó sẽ bàn giao cho NATO) đã bắt đầu hoạt động vào ngày 12.5.
Hệ thống lá chắn tên lửa này bao gồm các radar, các cảm ứng dò quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo để điều khiển tên lửa đánh chặn và tiêu diệt chúng trước khi tên lửa đạn đạo bay trở lại bầu khí quyển trái đất; các tên lửa đánh chặn có thể được bắn từ tàu chiến hoặc bệ phóng trên mặt đất. Các tên lửa đạn đạo khác với tên lửa hành trình bởi chúng có thể rời khỏi bầu khí quyển trái đất và bay xa đến 3.000 km.
Điện Kremlin lâu nay cho rằng mục tiêu chính của lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga đủ lâu để Mỹ có thể tiến hành đợt tấn công đầu tiên nếu xảy ra chiến tranh.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đổ thừa Moscow không chịu ngồi vào bàn đàm phán với NATO hồi năm 2013, nhằm giải thích rõ lá chắn tên lửa sẽ vận hành như thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.