Tổng thống Philippines: 'CIA muốn giết tôi'

01/10/2016 10:00 GMT+7

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp tục gây bất ngờ với tuyên bố Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ “có kế hoạch ám sát” ông.

Tờ SunStar Manila dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố đã nhận được thông tin về âm mưu ám sát của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). “Tình hình đúng là như vậy. Người ta nói rằng CIA đang lên kế hoạch sát hại tôi”, ông Duterte nói trong một phát biểu mới đây.
Tuy nhiên, thay vì lo sợ, nhà lãnh đạo này tỏ ra xem nhẹ nguy cơ nhằm vào mình và còn đùa rằng CIA nên cho ông thêm thời gian để làm quen với việc trở thành người đứng đầu Philippines. “Cho đến nay, tôi cũng chưa thể tin nổi mình đã trở thành lãnh đạo. Làm ơn cho tôi chút thời gian để tôi suy nghĩ như một vị tổng thống”, Tổng thống Duterte nói.
“Không thể quay đầu”
Mỹ chưa có phản ứng về những phát biểu mới của Tổng thống Duterte, nhưng rõ ràng đây là bằng chứng mới cho thấy quan hệ giữa 2 đồng minh này đang ở trong giai đoạn trắc trở chưa từng có. Tổng thống Duterte liên tục có những tuyên bố chỉ trích nhằm vào Washington, thậm chí bị cho là xúc phạm cá nhân Tổng thống Barack Obama, đồng thời tỏ rõ ý định đẩy mạnh quan hệ với Nga và Trung Quốc dù khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông, vốn có lợi cho Manila. Mới đây, Reuters dẫn lời ông chỉ trích Mỹ “đạo đức giả” và “người Mỹ vẫn “chơi kiểu chiếu trên” với chúng tôi”.
Không chỉ dừng lại ở mức độ phát ngôn, Tổng thống Duterte đang tỏ nhiều dấu hiệu muốn hạn chế hợp tác với Mỹ về quốc phòng và an ninh, lĩnh vực được xem là quan trọng nhất trong mối quan hệ đồng minh song phương. Sau tuyên bố cố vấn quân sự Mỹ cần rời khỏi miền nam Philippines, ông tiếp tục nói cuộc tập trận chung giữa lực lượng 2 nước từ ngày 4 - 12.10 “sẽ là lần cuối cùng” dù vẫn “cam kết tôn trọng hiệp ước an ninh lâu dài với Mỹ”. Sau đó, cũng như nhiều lần trước, các quan chức Manila phải đăng đàn “nói lại cho rõ” rằng ý tổng thống là “lần cuối cùng trong năm 2016”.
Dù vậy, những tuyên bố của ông Duterte làm dấy lên nghi ngờ về rạn nứt giữa Washington và Manila và đây sẽ là trở ngại lớn cho chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định chủ quyền phi lý trên biển.
Mặt khác, phát biểu về “âm mưu ám sát của CIA” được đưa ra vài ngày sau khi Reuters dẫn lời Tổng thống Duterte tuyên bố khá “bí hiểm” rằng ông đang ở vào “điểm không thể quay đầu” trong quan hệ giữa Philippines với Mỹ. Trước đó, chính phủ nước này cũng lên tiếng cảnh báo về một âm mưu đảo chính dù sau đó quân đội khẳng định “không tìm ra bằng chứng về các kế hoạch gây bất ổn nào”. Đáng chú ý là tờ The Wall Street Journal từng dẫn lời một quan chức cấp cao ở Washington cho rằng Tổng thống Duterte đang “tự cô lập với giới chính trị tinh hoa và quân đội Philippines”.
Tuy nhiên, phía Mỹ cũng có động thái trấn an khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter hôm 29.9 khẳng định nước này và Philippines vẫn duy trì được mối liên minh vững chắc như “được bọc thép”. “Mỹ vẫn đang ủng hộ quá trình hiện đại hóa của quân đội Philippines”, Reuters dẫn lời ông Carter phát biểu trước các thủy thủ Mỹ trên tàu USS Carl Vinson. Ông cũng nhắc lại dự án Sáng kiến an ninh biển của Mỹ, đang rót hàng triệu USD cho Manila.
Tự ví với Hitler
Ngoài quan hệ trắc trở với Mỹ, cuộc chiến chống ma túy đẫm máu đang diễn ra cũng là vấn đề gây tranh cãi dữ dội của Tổng thống Duterte. Ngày 30.9, nhà lãnh đạo tiếp tục gây sốc khi liên hệ chiến dịch chống ma túy với trận diệt chủng người Do Thái thời Đức Quốc xã. Phát biểu trước các phóng viên tại TP.Davao, Tổng thống Duterte nói: “Hitler đã thảm sát hàng triệu người Do Thái. Tại Philippines hiện có khoảng 3 triệu người buôn bán lẫn sử dụng ma túy. Tôi sẽ rất mừng khi triệt tiêu hết bọn họ. Nếu Đức có Hitler thì Philippines có…”, ông Duterte bỏ dở câu nói, đồng thời chỉ tay vào mình.
Nhà lãnh đạo cũng giải thích thêm rằng nạn nhân của Hitler đều là người vô tội, trong khi mục tiêu của ông “toàn là tội phạm”, đồng thời trần tình chiến dịch trừ khử tội phạm ma túy là để “giải quyết rốt ráo vấn nạn này tại Philippines cũng như để cứu thế hệ sau”.
Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền hồi tháng 6, hơn 3.100 người đã thiệt mạng, bao gồm nhiều cái chết bị xếp vào dạng “đáng ngờ và cần điều tra thêm”. Nhiều bên đã chỉ trích dữ dội chiến dịch này, góp phần khiến quan hệ giữa Philippines với nhiều đồng minh, đối tác bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Reuters, phát biểu mới của Tổng thống Duterte lập tức kéo theo làn sóng giận dữ trong cộng đồng người Do Thái. Giáo sĩ Abraham Cooper, một lãnh đạo của Trung tâm Simon Wiesenthal ở Mỹ, tuyên bố đây là “một sự sỉ nhục” và nói: “Ông Duterte nợ các nạn nhân của nạn diệt chủng một lời xin lỗi vì đã xúc phạm họ”. Tương tự, Liên minh Chống phỉ báng, một tổ chức của người Do Thái rất có ảnh hưởng tại Mỹ, chỉ trích: “Việc so sánh tội phạm ma túy như nạn nhân của nạn diệt chủng là không phù hợp và gây tổn thương nặng nề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.